Nhận được phản ánh của nhiều người dân xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) về tình trạng gỗ ở khu bảo tồn thiên nhiên bị chặt hạ, phóng viên của Zing.vn đã vào cuộc tìm hiểu vụ việc.
Dưới tiết trời nắng nóng, chúng tôi men theo đường mòn 71 nối từ xã Phong Xuân lên huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Đây là con đường mới được lực lượng chức năng tu sửa để đến dự án thủy điện nằm ở thượng nguồn sông Bồ.
Tuyến đường 71 nằm giữa khu vực dự án thủy điện Alin B2 và Alin B1. Trên tuyến này, nhiều khúc gỗ tròn, gỗ đã cưa xẻ được ai đó thả từ đỉnh đồi xuống theo các khe suối. Nhiều khúc có chiều dài hơn 3 m, đường kính từ 50-70 cm.
Số gỗ này bao gồm các loại dổi, dạ chồn, sến đỏ... Cạnh những điểm gỗ được thả xuống là các lán trại của của nhóm người mới dời đi.
Lâm tặc thả gỗ về dọc theo các khe suối trong khu bảo tồn. Ảnh: Điền Quang. |
Một người đàn ông địa phương cho hay, người khai thác gỗ đa số quê ở huyện Phong Điền. Sau khi chặt phá những thân cây lớn ở sâu trong rừng, họ thả gỗ từ đỉnh núi trượt theo những khe suối xuống đường.
Những người phá rừng sau đó chất gỗ lên ôtô rồi chuyển về Phong Điền hoặc chuyển ngược lên A Lưới vào ban đêm. "Tháng trước, tôi thấy nhiều tốp mang theo máy cưa đi vào rừng. Họ gom gỗ vừa chặt hạ thành đống nhưng sang ngày hôm sau thì số gỗ biến mất", người đàn ông địa phương cho hay.
Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi men theo khe suối để lên đỉnh núi. Tại đây, rừng trở hoang tàn, nhiều thân gỗ lớn nhỏ bị chặt hạ nằm ngổn ngang. Nhiều cây bị cưa sát gốc có đường kính thân trên 1 m.
Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền, thừa nhận rừng bị "lâm tặc" chặt phá vào cuối tháng 3. Có 5 điểm rừng ở tiểu khu 57 và 70 bị chặt phá.
Thân cây lớn bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: Điền Quang. |
Tình trạng khai thác lâm sản trái phép diễn ra sau khi đường 71 từ Phong Xuân lên A Lưới được thông tuyến.
Theo Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng phá rừng vẫn xảy ra.
Đường 71 được thông tuyến đã giúp việc đi lại, vận chuyển gỗ thuận tiện. Trong khi đó, quanh khu bảo tồn là các xã vùng đệm và nhu cầu lâm sản lớn.
Đặc biệt, lâm tặc lợi dụng, trà trộn vào rừng theo các dự án thủy điện để khai thác gỗ khiến việc kiểm soát rất khó khăn.
Gỗ lậu bị kiểm lâm của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền thu giữ. Ảnh: Điền Quang. |
Theo ông Trụ, cơ quan này đã tăng cường quản lý và lập 4 chốt kiểm tra ở những điểm trọng yếu. Những khu vực có cây bị chặt hạ được lập biên bản và báo cáo lên cấp trên.
"Từ đầu năm đến nay, chúng tôi thu gần 20 khối gỗ, các đối tượng khai thác lậu đã bỏ trốn. Để xảy ra tình trạng phá rừng, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng", ông Trụ nói.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền được thành lập theo Quyết định số 2979/QĐ-UB ngày 13/11/2002 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với diện tích 41.508 ha bao gồm 43 tiểu khu.
Mục tiêu là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọạ, các loài đặc hữu của vùng núi thấp miền Trung; duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn của khu vực đối với các con sông lớn Mỹ Chánh, Ô Lâu, Sông Bồ. Đồng thời, rừng còn góp phần phát triển kinh tế xã hội của dân cư sống quanh vùng bảo tồn.
Đường 71 nối xã Phong Xuân (Phong Điền) và huyện A Lưới, nơi xảy ra tình trạng phá rừng. Ảnh: Google Maps. |
Theo Zing