Mỹ yêu cầu Trung Quốc thả 3 người bị ‘mất tích’

Thứ ba, 06/06/2017, 19:02
Một người bị bắt, hai người khác mất liên lạc khi đang tiến hành điều tra điều kiện làm việc tại một nhà máy sản xuất giày mang thương hiệu Ivanka Trump tại Trung Quốc.

Cô Ivanka Trump - ái nữ của Tổng thống Donald Trump - Ảnh: AFP

Theo báo Guardian ngày 6-6, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh thả ba nhà hoạt động thuộc tổ chức xã hội China Labor Watch (CLW).

Ba người này được cho là “mất tích” trong lúc điều tra một nhà máy sản xuất giày mang thương hiệu Ivanka Trump của con gái Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Li Qiang, giám đốc CLW, xác nhận đã mất liên lạc với ông Hua Haifeng và hai người khác là Li Zhao và Su Heng. Hôm 30-5, sau hàng chục cuộc gọi không thành công, ông kết luận: “Họ có thể đã bị người của nhà máy hoặc cảnh sát giam giữ”.

Theo hãng tin AP, bà Deng Guilian, vợ của ông Hua Haifeng, cho biết nhận được cuộc gọi từ cảnh sát vào trưa ngày 30-5, thông báo rằng chồng bà bị buộc tội “theo dõi bất hợp pháp”.

Người gọi điện chỉ nói bà không cần biết thêm chi tiết (về vụ bắt giữ), và bà sẽ không thể gặp, nói chuyện hay nhận tiền từ chồng.

CLW là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở New York (Mỹ). Nhóm này có kế hoạch công bố một báo cáo về tình trạng trả lương thấp, làm việc quá giờ và lạm dụng lao động tại các nhà máy ở Trung Quốc.

CLW vốn nổi tiếng với các báo cáo công bố trước đây về tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng cho Tập đoàn Samsung và hoạt động điều tra chuỗi nhà máy sản xuất cho Hãng Apple.

Năm ngoái, Hãng Walt Disney Co. của Mỹ từng phải ngưng hợp tác với một nhà sản xuất đồ chơi ở Thâm Quyến sau khi CLW vạch trần các vi phạm lao động của họ.

Tuy nhiên, mục tiêu điều tra lần này của CLW bị đánh giá là khá “nhạy cảm” do thương hiệu sở hữu bởi Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Mỹ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Hope Hicks trước đó từ chối bình luận về vụ bắt giữ tại Trung Quốc, trong khi công ty quản lý thương hiệu Ivanka Trump cũng không trả lời các câu hỏi của giới truyền thông.

Theo ông Li Qiang - giám đốc CLW, đây là lần đầu tiên trong 17 năm hoạt động, CLW bị theo dõi chặt chẽ như vậy từ phía nhà chức trách. “Chuyện này đã bắt đầu mang hơi hướng chính trị” - ông Li nhận xét.

Tuy nhiên hãng tin AP bình luận rằng sự cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh đối với các tổ chức như CLW có thể xuất phát từ tình trạng bất ổn lao động ngày càng tăng và kinh tế tăng trưởng chậm.

Theo TTO

Các tin cũ hơn