Phiến quân bắn hạ Su-22 Syria

Thứ ba, 06/06/2017, 10:56
Theo Southfront, ngày 5/6, nhóm phiến quân Osoud al-Sharqiyah do Mỹ hậu thuẫn đã bắn hạ một chiếc cường kích Su-22 của Không quân Syria tại khu vực Dakwah, gần Damascus.

Nguồn tin cho biết, nơi diễn ra vụ bắn hạ cách thủ đô Damascus khoảng 60km về phía Đông, đồng thời cũng là chiến trường khốc liệt giữa nhóm chiến binh do Mỹ hậu thuẫn và quân đội chính phủ Syria nhằm giành quyền kiểm soát khu vực này.

Southfront dẫn nguồn tin địa phương cho biết, người ta đã nhìn thấy viên phi công nhảy dù khỏi máy bay. Hiện cả quân đội chính phủ Syria và nhóm phiến quân đang gấp rút tìm kiếm viên phi công này.

Trước thông tin Su-22 bị bắn hạ, chính quyền Damascus chưa đưa ra bất cứ thông tin chính thức nào.

Những gì còn lại của chiến đấu cơ Su-22 bị bắn hạ hôm 5/6.

Dù nhóm Osoud al-Sharqiyah không cho biết vũ khí nào đã thực hiện vụ này nhưng ngay trước khi Su-22 bị bắn hạ, người ta đã nhìn thấy các tay súng của lực lượng này mang những quả tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) rất giống với FN-6 của Trung Quốc.

Nếu thông tin này được xác nhận và FN-6 là thủ phạm thì tên lửa có nguồn gốc Trung Quốc tiếp tục khiến Không quân Syria ôm hận.

Bởi theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), chỉ trong giai đoạn nửa cuối năm 2016, tên lửa FN-6 đã bắn hạ ít nhất 3 máy bay của không quân Syria, trong đó có 1 chiếc Su-22 và 2 chiếc trực thăng.

Trang Al Mayadeen News dẫn nguồn tin từ những lực lượng thánh chiến tại Syria cho biết, trong năm 2016, nhóm Jabhat Al-Nusra và Osoud al-Sharqiyah tại Syria đã nhận được số lượng lớn tên lửa MANPAD.

Có những thông tin cho thấy ít nhất 100 tên lửa MANPAD đã được chuyển giao cho tổ chức khủng bố ở miền Bắc Syria.

Dù công khai số lượng tên lửa được tiếp nhận nhưng nguồn tin này không thông báo chính xác, loại tên lửa nào và thế lực nào đã cung cấp cho tổ chức khủng bố này. Tuy nhiên, theo Al Mayadeen News, rất có thể lô tên này đã được 3 quốc gia là Saudi Arabia, Qatar, UAE viện trợ.

Số vũ khí nằm trong đợt viện trợ này bao gồm tên lửa MANPAD Igla do Nga sản xuất, FN-6 do Trung Quốc sản xuất, Stinger nguồn gốc từ Mỹ. Trong đó, có số lượng lớn nhất có thể sẽ là FN-6.

Trang Al Mayadeen News dẫn nguồn tin từ "Cơ quan khảo sát vũ khí xung đột" trụ sở tại Anh cho biết, trong nhiều cuộc xung đột tại Trung Đông, châu Phi gần đây đều có vũ khí Trung Quốc đều tham chiến.

Theo số liệu thống kê của tổ chức này, nguồn cung vũ khí của IS ít nhất đến từ 21 quốc gia, bao gồm cả những quốc gia nhỏ bé trên thế giới như Sudan, nhưng chủ yếu là của các cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn, mà đứng đầu là Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Tên lửa FN-6 được nhìn thấy tại Syria.

Trung Quốc là quốc gia thứ 2 (sau Nga và trên Mỹ) trong danh sách các quốc gia chế tạo các vũ khí mà các tay súng của IS đang sử dụng, bởi sau khi tiến hành thu hồi khoảng 1.700 vỏ đạn (súng cá nhân, súng chống tăng, tên lửa MANPAD...) của phiến quân sau các cuộc chiến, có 445 chiếc do Trung Quốc sản xuất, chỉ kém Nga một chút.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại là nước có nhiều vũ khí, đạn dược mới nhất mà phiến quân đang sử dụng. Khoảng 10% số đạn dược trong báo cáo được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2014, trong thời gian này thì số đạn dược mới do Trung Quốc sản xuất chiếm đến hơn một nửa.

"Cơ quan khảo sát vũ khí xung đột" cho biết thêm, loại vũ khí mới nhất của Trung Quốc xuất hiện trong lực lượng khủng bố và "phe đối lập ôn hòa" tại Syria chính là tên lửa FN-6 và vũ khí này đang góp phần khiến cuộc chiến tại Syria thêm phức tạp.

Một số hình ảnh Su-22 bị bắn hạ

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn