TS Phùng Văn Phách - Viện trưởng Viện địa lý và địa chất biển cho rằng, quyết tâm khai thác băng cháy của Trung Quốc cũng giống như Nhật và Hàn Quốc. Vì đây là loại năng lượng mà rất nhiều nước trên thế giới đều mong muốn sở hữu được nó, vì vậy việc Trung Quốc tuyên bố sẽ khai thác loại tài nguyên này với quy mô công nghiệp cũng đang được lưu tâm.
Băng cháy là nguồn năng lượng triển vọng mới. Ảnh minh họa |
Theo vị TS, Trung Quốc là một nước đi sau, nhưng lại là một đất nước có nền kinh tế, khoa học, công nghệ rất phát triển. Vì vậy, cũng không loại trừ khả năng họ đã sở hữu được công nghệ khai thác băng cháy hiện đại nhất thế giới.
Khi có được công nghệ hiện đại, khả năng Trung Quốc thành lập từ 2-4 cơ sở lớn khai thác băng cháy để phát triển theo quy mô công nghiệp là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, TS. Trịnh Xuân Cường, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam lại tỏ rõ hoài nghi về khả năng khai thác băng cháy của Trung Quốc.
Theo ông Cường, thế giới có tới hơn 90 nước cùng tiến hành các chương trình nghiên cứu điều tra băng cháy ở các mức độ khác nhau. Trong đó, Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới công bố đã lấy thành công khí đốt từ lớp methane hydrate nằm sâu 300m dưới lớp trầm tích ở đáy đại dương. Song việc đưa ra công nghệ khai thác băng cháy tối ưu nhất vẫn chưa thực hiện được.
Tại Nga, việc khai thác mỏ băng cháy ở Siberi diễn ra từ năm 1965 nhưng vẫn thực hiện trên nền công nghệ truyền thống, hiệu quả thấp.
Tính tới thời điểm hiện tại, chưa có quốc gia nào khai thác được băng cháy ở quy mô công nghiệp.
Vì vậy, ông không tin Trung Quốc đã sở hữu được công nghệ nhảy vọt để có thể bắt tay khai thác băng cháy với quy mô công nghiệp.
Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam nói rõ, băng cháy rất khó khai thác, về nguyên tắc là không được đào lên mà phải làm tan chảy băng cháy dưới lòng đất bằng cách làm giảm áp suất để thu khí methane.
Chỉ cần áp suất thay đổi, băng cháy không còn ở dạng băng nữa mà tự sôi và sẽ bốc lên lẫn ngay vào trong nước biển hoặc tan vào không khí.
Do vậy, khó khăn đối với băng cháy không phải là việc tìm nó ở đâu mà là nằm ở vấn đề lưu giữ nhiên liệu này như thế nào.
Tham vọng Biển Đông càng lớn
Nhìn nhận ở góc độ khác, TS Phùng Văn Phách cho rằng, trong khi nhiều dự báo về nguồn năng lượng hóa thạch trên trái đất đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, thì việc tìm kiếm những nguồn năng lượng mới để thay thế là xu hướng tất yếu.
Trong bối cảnh đó, băng cháy được ví như "người đẹp ngủ" trong lòng Biển Đông. Với trữ lượng khổng lồ được dự báo lớn gấp 3 lần tổng tài nguyên năng lượng hóa thạch được biết đến trên toàn thế giới, băng cháy chính là nguồn năng lượng đang được rất nhiều quốc gia quan tâm và muốn có được nó.
Theo TS Phùng Văn Phách, tuyên bố sẽ khai thác băng cháy với quy mô công nghiệp của Trung Quốc sẽ mở ra nhiều tham vọng lớn cho nước này.
Thông thường, băng cháy liên quan tới dầu khí, nghĩa là ở đâu có dầu thì ở xung quanh khu vực dễ có băng cháy và ngược lại. Hiện nguồn tài nguyên băng cháy, kho báu quý giá nhất, lớn nhất đang được dự báo nằm trong lòng Biển Đông.
Điều này khiến vị chuyên gia lo ngại, cùng với khao khát có được băng cháy thì Biển Đông cũng sẽ bị nhiều quốc gia trên thế giới nhòm ngó, trong đó, có cả Trung Quốc.
Việc này càng làm tăng khả năng gia tăng tham vọng độc chiếm Biển Đông, độc chiếm nguồn tài nguyên băng cháy của Trung Quốc.
Theo Đất Việt