Khủng hoảng trầm trọng ở thế giới Ả Rập

Thứ ba, 06/06/2017, 09:45
Các quốc gia Ả Rập gồm Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Bahrain, Libya, UAE và Yemen đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Hãng hàng không Qatar Airways tuyên bố ngừng tất cả chuyến bay đến Ả Rập Xê Út

Một cuộc khủng hoảng ngoại giao thực sự diễn ra khi các quốc gia nói trên cáo buộc nước láng giềng bảo trợ khủng bố. Hãng thông tấn SPA của Ả Rập Xê Út nêu rõ: “Qatar hỗ trợ khủng bố và bè phái làm khu vực bất ổn, bao gồm tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qaeda, đồng thời liên tục quảng bá các thông điệp và âm mưu của những tổ chức này qua phương tiện truyền thông”. Trong khi đó, Bahrain tố Qatar can thiệp nội bộ nước này. Một quốc gia nằm ngoài khu vực là Maldives hôm qua cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Doha.

Không chỉ tuyệt giao, Ả Rập Xê Út còn tuyên bố đóng cửa không phận, biên giới trên biển và đất liền với Qatar; trong khi UAE, Bahrain, Ai Cập cấm cửa máy bay, tàu bè của Qatar. Bahrain đưa ra thời hạn 48 giờ để các quan chức ngoại giao Qatar rời khỏi nước này. Binh sĩ Qatar cũng bị loại khỏi liên minh do Ả Rập Xê Út dẫn đầu đang tham chiến tại Yemen. Bên cạnh đó, hàng loạt hãng hàng không tuyên bố ngừng các chuyến bay đi và đến Qatar, gồm Etihad Airways, Emirates Airline và Flydubai từ ngày 6.6. Hãng Qatar Airways cũng ngừng tất cả chuyến bay tới Ả Rập Xê Út.

Trong một tuyên bố được phát trên kênh truyền hình al-Jazeera, Bộ Ngoại giao Qatar lấy làm tiếc về quyết định của các nước láng giềng, cho rằng biện pháp không phù hợp đó dựa trên những luận điệu và cáo buộc thiếu căn cứ thực tế. Mặc dù bị đóng băng quan hệ, Qatar vẫn khẳng định cuộc sống của người dân sẽ không bị ảnh hưởng.

Reuters nhận định sự chia rẽ trên sẽ tác động tiêu cực đối với toàn bộ Trung Đông, cũng như sự kiện thể thao lớn của hành tinh vào năm 2022 khi Qatar là nước chủ nhà của giải vô địch bóng đá thế giới. Lý do các nước đưa ra là Qatar ủng hộ các tổ chức bị liệt vào dạng khủng bố như Huynh đệ Hồi giáo. Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng sự việc lần này là giọt nước tràn ly sau những căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út và Qatar.

Theo The Guardian, quyết định trên xảy đến sau sự cố truyền thông hồi cuối tháng 5, trong đó Qatar khẳng định mình là nạn nhân của một chiến dịch tuyên truyền tinh vi nhằm bôi nhọ nước này. Đáng chú ý nhất trong số đó là vụ tấn công mạng vào các website chính phủ Qatar dẫn đến sự xuất hiện của những bài báo trích lời Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, mô tả Iran là lực lượng cần cho sự ổn định khu vực, đồng thời đe dọa rút đại sứ Qatar ở một loạt nước Trung Đông, bao gồm Ả Rập Xê Út.
Các nước láng giềng đã phản ứng giận dữ với những phát biểu được cho là của ông Al Thani. Dù Qatar khăng khăng đó là những trích dẫn không đúng, Ả Rập Xê Út và các nước đồng minh vẫn bỏ ngoài tai lời giải thích này và phát động cuộc tổng công kích Doha trên truyền thông.
Cuộc khủng hoảng ở quy mô, tốc độ và mức độ chưa từng thấy vào ngày 5.6 diễn ra chỉ 10 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Trung Đông và kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh xây dựng liên minh chống Iran. Theo The New York Times, Tổng thống Trump đã hy vọng Ả Rập Xê Út giúp dẫn dắt các nước Ả Rập dòng Sunni chống khủng bố. Qatar vốn là quốc gia có phần đông dân số theo Hồi giáo dòng Sunni, vì vậy việc nước này “không quy phục” cùng với sức ép từ Mỹ có thể là một nguyên nhân dẫn đến quyết định thẳng tay của phía Ả Rập Xê Út và các nước khác.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn