Dân Qatar vét sạch siêu thị tích trữ lương thực

Thứ ba, 06/06/2017, 13:01
Lo ngại khả năng khả năng khủng hoảng lâu dài, dân Qatar ùa ra mua gom nhu yếu phẩm vì quốc gia này phụ thuộc chính vào hàng nhập khẩu.

Người dân xếp hàng chờ mua hàng hóa tại một cửa hiệu ở thủ đô Doha ngày 5-6 - Ảnh: AFP

Ở siêu thị Carrefour tại thủ đô Doha của Qatar, dòng người đổ về mua sắm tăng đột biến chỉ vài giờ sau khi có thông tin một số quốc gia vùng Vịnh cùng Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ với Doha.

Ở các kệ hàng thực phẩm, sữa, gạo và thịt gà nhanh chóng hết sạch.

Azir, một lao động nhập cư người Sri Lanka, đẩy chiếc xe mua hàng chất đầy tả giấy cho cậu con trai 18 tháng tuổi. Anh được biết thông tin về tình hình hiện tại nhờ người thân từ Sri Lanka gọi qua. "Gia đình gọi qua khi tôi đang còn ngủ, tôi phải chạy ngay ra mua hàng vì sợ khủng hoảng", anh Azir giải thich.

Qatar có biên giới trên bộ chỉ với Saudi Arabia và vương quốc nhỏ chừng 2 triệu dân này lệ thuộc hầu hết nguồn cung thực phẩm từ hàng nhập của các nước vùng Vịnh.

Ngày 5-6, Ai Cập, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bahrain, Yemen và Chính phủ miền Đông Libya và Maldives đã đồng loạt tuyên bố đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố.

Chính quyền Doha đã lên tiếng bày tỏ "lấy làm tiếc" và coi các quyết định này là "vô lý", dựa trên những cáo buộc "vô căn cứ".

Cũng trong tâm trạng như Azir là Ernest, người Li Băng. Anh Ernest thú nhận phải chạy vội ra gom thực phẩm về tích trữ vì nghe nói những người khác cũng sẽ làm như anh.

Anh cùng người thân đẩy đến 2 xe mua hàng chất đầy bột làm bánh.

Những siêu thị lớn khác ở thủ đô Doha cũng có cảnh tượng tương tự như ở Carrefour với lượng khách đông đột biến trong thời gian ngắn.

Ở siêu thị Al-Meera, anh Denis, người Đức cũng đến mua hàng nhưng tin rằng đây chỉ là “cơn bão nhất thời” vì các nước khác có thể làm gì được khi “Qatar là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới”!

Quả thực theo bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) thì thu nhập trung bình hằng năm của người dân Qatar là 138.480 USD (số liệu 2015), thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Qatar có tên tuổi trên trường thế giới nhờ những khoản tiền khổng lồ đầu tư ở mọi nơi.

Để trấn an người dân sau những quyết định cắt quan hệ ngoại giao từ nước ngoài, ngày 5-6, chính quyền Doha ra thông báo khẳng định các ngõ hàng hải và hàng không dùng nhập khẩu hàng hóa vẫn ổn.

“Chính phủ sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để hóa giải mọi ý định làm ảnh hưởng đến người dân và nền kinh tế Qatar”, bản thông báo cho biết.

Tuy vậy các mặt hàng xuất khẩu của Qatar như máy móc, thiết bị điện tử hoặc gia súc qua ngõ đường bộ với Saudi Arabia chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sau quyết định cắt quan hệ từ nước láng giềng.

Theo số liệu của LHQ, xuất khẩu của Qatar sang Saudi Arabia lên đến 896 triệu USD trong năm 2015.

Quyết định cắt hàng không từ các nước vùng Vịnh cũng có thể làm ảnh hưởng nặng đến ngành du lịch của Qatar.

Người dân Saudi láng giềng giàu có vẫn thường sang Qatar nghỉ lễ Aïd el-Fitr, sau tháng chay Ramadan, vốn đã bắt đầu được mươi ngày.

Qatar thuộc Tây Á, nằm trên bán đảo nhỏ Qatar thuộc duyên hải đông bắc của bán đảo Ả Rập. Qatar, với diện tích 11.586 km², chỉ có biên giới trên bộ với Saudi Arabia về phía nam, phần còn lại là vịnh Ba Tư.

Qatar trở thành một lãnh thổ bảo hộ thuộc Anh vào đầu thế kỷ 20 cho đến khi giành độc lập vào năm 1971. Gia tộc Thani lãnh đạo Qatar từ đầu thế kỷ 19. Qatar theo chế độ quân chủ thế tập, và nguyên thủ quốc gia lấy hiệu là Tiểu vương (emir).

Vào đầu năm 2017, tổng dân số Qatar được ghi nhận là 2,3 triệu, nhưng trong đó khoảng 300.000 người là công dân Qatar, còn lại là người nước ngoài.

Qatar một quốc gia phát triển với GDP cao nhờ trữ lượng khí đốt thiên nhiên và dầu mỏ lớn thứ ba thế giới.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích