|
TP.HCM sẽ nâng cấp các trạm trung chuyển rác khép kín, thay vì “lộ thiên” như hiện nay |
Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, công tác bảo vệ môi trường thời gian qua của TP.HCM đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng qua khảo sát cho thấy môi trường nhìn chung đáng lo ngại, ô nhiễm rác thải, nguồn nước, không khí… chưa được cải thiện.
Có nơi cả tuần mới gom rác
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm hiện TP.HCM có 2 hệ thống thu gom rác thải: công lập (công ích TP, quận, huyện) và dân lập (cá nhân, tập thể, hợp tác xã). Trong đó, lực lượng thu gom rác dân lập vẫn chiếm tỷ lệ lớn (60%), có quận lên đến 80%, với 2 hình thức: tự làm chủ đường dây rác, trực tiếp cung ứng dịch vụ, bình quân từ 2 - 3 người, thường là người trong gia đình hoặc thuê thêm 1 - 2 lao động bên ngoài; làm chủ đường dây và thuê mướn lao động thu gom (do sở hữu nhiều đường dây, hoặc không trực tiếp thu gom mà khoán cho người lao động). |
Tại cuộc họp, 15 đại biểu (ĐB) HĐND TP.HCM nêu ý kiến về những bất cập, tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường. Một số ĐB đề cập thẳng đến thực trạng ô nhiễm môi trường, phát tán mùi hôi trong tất cả các khâu: thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải… mà Báo Thanh Niên từng nhiều lần phản ánh qua các bài viết: Xe gom rác Sài Gòn quá hôi, Ám ảnh tập kết rác ở trung tâm TP.HCM, Hàng quán bức tử hố ga ở TP.HCM...
Theo ĐB Võ Văn Tân, nhiều đường dây thu gom rác dân lập ở các quận, huyện hoạt động rất lộn xộn, thậm chí có nơi tranh giành địa bàn, đâm chém lẫn nhau. “Ở khu vực thu gom rác dân lập, người thu gom vui thì đi, còn buồn thì thôi. Theo thỏa thuận với dân, một ngày thu gom, một ngày nghỉ nhưng có nơi cả một tuần, thậm chí hơn một tuần không thu gom rác”, ông Tân nói và cũng nêu một thực trạng bức xúc là ô nhiễm nguồn nước, không khí ở TP.HCM đang hết sức báo động. “Để xảy ra tình trạng này là do việc xử lý chưa nghiêm”, ông nói và dẫn chứng có công ty sản xuất ở H.Củ Chi gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, bị UBND TP.HCM xử phạt hơn 600 triệu đồng nhưng đến nay vẫn hoạt động!
ĐB Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM, chỉ ra vấn đề: “Hiện có quá nhiều khâu trung gian trong việc xử lý rác thải đô thị. Theo đó, người dân mang rác bỏ ra lề đường, người thu gom rác đến gom đến điểm hẹn, từ điểm hẹn đến bãi tập kết, rồi rác từ bãi tập kết mới được xe chuyên dụng chở đến bãi rác xử lý tập trung. Do vậy mà thời gian rác thải tiếp xúc môi trường dân cư quá lâu, gây ô nhiễm”. Ông Kiên đề nghị giảm ngay các khâu trung gian.
Phân loại xong, thì… gom lại
Trả lời chất vấn của ĐB, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày ở TP.HCM khoảng 8.300 tấn. Ông Thắng thừa nhận: “Để xảy ra tình trạng ô nhiễm, một phần do khâu quản lý chưa tốt, chưa quản lý được thu gom rác dân lập; thiết bị thu gom lạc hậu, tần suất thu gom thấp”.
Liên quan đến chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn bị “phá sản” mà ĐB phản ánh, ông Thắng cho biết chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thí điểm tại 6 quận gồm: Q.1 (từ năm 2013), Q.3, 5, 6, 12 và Bình Thạnh (từ năm 2015). Cách thức thí điểm theo cụm dân cư (tổ dân phố, khu phố, chung cư, trường học). Chất thải được chia làm 2 loại: chất thải thực phẩm và chất thải còn lại. Tuy nhiên, bất cập là ở một số quận, chất thải sau phân loại được tổ chức thu gom cùng lúc hai loại, kết hợp với rác chợ; phương tiện thu gom chưa phù hợp, chưa đồng bộ. Việc vận chuyển và xử lý chung dẫn đến một số ý kiến tiêu cực.
Về thực trạng hơn 1.000 điểm hẹn và 26 trạm trung chuyển rác chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, ông Thắng nhìn nhận thực trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm hẹn mức độ khá trầm trọng, do nằm xen cài trong các khu dân cư, trên các trục đường chính; việc kết nối không đồng bộ giữa thu gom và vận chuyển dẫn đến tình trạng xe vận chuyển đến điểm hẹn mà không có rác thải để tiếp nhận và ngược lại; các trạm trung chuyển cũng chưa phù hợp với quá trình đô thị hóa của TP (vị trí, công suất tiếp nhận, khoảng cách an toàn…).
Rà soát phương tiện thu gom rác
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết TP đang tính toán các giải pháp tổng thể, đồng bộ nhiều vấn đề từ khâu quy hoạch đến tổ chức thực hiện thu gom, xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường sống của người dân TP được xanh - sạch - đẹp. TP sẽ tổ chức lại hệ thống rác dân lập, đưa các đường dây rác dân lập vào các hợp tác xã để hoạt động và được quản lý bài bản hơn; có chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia chương trình phân loại rác tại nguồn; mỗi quận, huyện sẽ được trang bị thêm 1.000 thùng rác mới.
Ông Khoa khẳng định ngay trong năm 2017, TP.HCM rà soát lại tất cả các phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải; tính toán thời gian thu gom, vận chuyển hợp lý rác thải từ khu dân cư đến bãi xử lý rác tập trung nhằm hạn chế gây ô nhiễm, kẹt xe; nâng cấp các trạm trung chuyển rác theo công nghệ khép kín; đình chỉ các dự án gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tập trung đổi mới công nghệ xử lý rác hiện đại theo hướng tái chế, tạo vật liệu xây dựng, phân bón, khí, điện… để đến năm 2020 tỷ lệ rác thải chôn lấp giảm xuống còn 50% (hiện nay gần 80% - PV).
Đến năm 2020, hoàn tất lắp đặt quan trắc tự động
Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, yêu cầu UBND TP.HCM áp dụng kỹ thuật, công nghệ phù hợp vào hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; xây dựng lộ trình, kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn để đến 2020 chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; từ nay các dự án chưa nghiệm thu công trình bảo vệ môi trường theo quy định thì không được đưa vào hoạt động; đến 2020 hoàn tất việc lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc tự động về chất lượng môi trường trên địa bàn TP, dữ liệu được truyền trực tiếp về cơ quan chức năng để phân tích, đánh giá làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước...
|
Theo Thanh Niên