Khủng hoảng Qatar: Tham vọng của Saudi Arabia tại Trung Đông

Thứ hai, 12/06/2017, 10:15
Việc Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Yemen tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar cùng lý do chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mục đích thực sự là cô lập Iran và kêu gọi các nước Arập dòng Sunni thành lập một "NATO Arập” đặt dưới sự lãnh đạo của chính quyền Riyadh.

Không dễ cô lập Iran

Thực tế cho thấy, sức bền của liên minh Iran-Syria, nền tảng chiến lược chứ không phải tư tưởng trong các mối liên minh của Iran, hay những gì diễn ra trong cuộc chiến Iran-Iraq cho thấy việc cô lập Tehran là điều hết sức khó khăn.

Liên minh giữa Iran và Syria đã trải qua nhiều thử thách và thời gian. Đầu những năm 1980, Iran và Iraq bước vào cuộc chiến mà Baghdad cho là để chống lại sự bành trướng của Tehran.

Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan, Iraq và Mỹ đã xây dựng một mặt trận để cô lập Tehran với chế độ Hafez al-Assad nhằm đem lại chiến thắng tức thời cho Baghdad.

Tuy nhiên, thực tế là mối liên minh Iran-Syria chưa bao giờ tan vỡ, ngay cả khi Syria rơi vào vòng xoáy xung đột ở Liban. Bất chấp những áp lực cả về kinh tế và quân sự, chiến lược cô lập Tehran càng khiến liên minh này thêm bền chặt, giúp hai nước vượt qua cả những bất đồng tồn tại suốt 3 thập kỷ trước đó.

Hơn nưa, Iran lựa chọn liên minh và những cuộc xung đột một cách thực dụng, thay vì dựa trên hệ tư tưởng. Tehran chú trọng tới mối quan hệ đối tác dựa trên các mục tiêu chiến lược chung, kể cả khi đối tác có những hệ tư tưởng hoàn toàn khác biệt.

Đối với mối quan hệ liên minh Syria và Iran, hai nước xem nhau là đối tác duy nhất trong “cuộc kháng chiến” chống Israel, và cùng xem mình là cộng đồng thiểu số và sắc tộc trong một khu vực bị chủ nghĩa cực đoan Salafi bao trùm.

Hơn thế nữa, Damascus và Tehran đều coi khối Arập và mối quan hệ tốt đẹp giữa khối này với Israel là mối đe dọa đối với sự tồn vong của chính mình.

Iran đã từng bị cô lập trong cuộc chiến mà Iraq tiến hành. Cuộc chiến này từng ngăn cản Iran thực hiện tham vọng của mình là truyền bá các tư tưởng và cuộc cách mạng của mình ra bên ngoài.

Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, Iran đã nỗ lực thúc đẩy các liên minh chiến lược và phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự của mình. Việc kêu gọi cô lập Iran chắc chắn sẽ chỉ càng khiến họ trở nên quyết tâm hơn.

Vị trí các quốc gia trong cuộc khủng hoảng mới nhất của Thế giới Hồi giáo.

Khó có được một "NATO Arập"

Trong khi các nỗ lực nhằm cô lập Tehran có thể sẽ phản tác dụng, mục tiêu xây dựng một NATO Arập bị nhiều người xem là tham vọng quá viển vông.

Cộng đồng Arập theo dòng Hồi giáo Shi’ite xem sự hòa hợp giữa Saudi Arabia và học thuyết Wahhabi là mối đe dọa tồn vong, bởi vậy nguy cơ hình thành nên một "NATO Arập" có thể sẽ khiến các cộng đồng theo dòng Hồi giáo Shi’ite xích lại gần Tehran hơn nữa để ngăn chặn điều mà họ cho là “thảm họa” này.

Hơn thế nữa, liên minh do Saudi Arabia đứng đầu rõ ràng đang tồn tại nhiều rạn nứt. Dù trên phương diện chính thức, liên minh này thống nhất chống lại mối đe dọa và tham vọng của Iran, song đằng sau mặt trận đó, các lực lượng chính trị vẫn chưa thể nhất trí về cách tiếp cận và giải quyết nguy cơ này. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tại Qatar.

Trong khi đó, hai cường quốc ngày càng chiếm vị thế quan trọng trên bản đồ thế giới là Nga và Trung Quốc có rất nhiều lý do để xích lại gần hơn với Iran. Tehran sẽ tận dụng những rạn nứt trong nội bộ liên minh mà Saudi Arabia dẫn đầu, đồng thời tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với các cường quốc bên ngoài Syria.

Thực tế liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu và được Mỹ bảo trợ đi ngược lại với các lợi ích của Nga và Trung Quốc cũng như của Iran trong khu vực. Nga đã đầu tư đáng kể vào căn cứ hải quân ở Tartus (Syria) và sẽ tiếp tục hậu thuẫn Iran cùng chế độ Assad chống lại mọi sự can dự của bên ngoài.

Về phần Trung Quốc, cường quốc này đang không ngừng thúc đẩy quan hệ với Iran, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đi qua Trung Á, và coi Tehran là một đối tác vô cùng quan trọng.

Một liên minh Nga-Iran-Trung Quốc sẽ trở thành vật cản vô cùng lớn với những tham vọng của một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu và được Mỹ bảo trợ.

Như vậy có thể thấy rằng, để cô lập Iran và thành lập một "NATO Arập" dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia là một điều hết sức khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Nếu có, nó cũng sẽ không đủ sức răn đe như người ta kỳ vọng, mà thậm chí còn có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và khoét sâu thêm xung đột giữa phe phái trong khu vực, kéo theo cả những quốc gia bên ngoài vào cuộc chiến luôn âm ỉ ở Trung Đông này.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn