Tổng thống Philippines: ‘Tôi chưa từng nhờ Mỹ giúp diệt khủng bố’

Thứ hai, 12/06/2017, 10:07
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định ông chưa từng nhờ tới sự trợ giúp đặc biệt của quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố tại Marawi (đảo Mindanao).

Tổng thống Duterte phát biểu hôm qua, 11/6 tại doanh trại quân đội ở thành phố Cagayan de Oro, cách Marawi khoảng 100km. Ảnh: Reuters

“Tôi chưa từng nhờ Mỹ giúp diệt khủng bố. Tôi không hề biết về việc đó cho đến khi họ đặt chân tới Marawi”, Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định hôm qua, 11/6 khi được hỏi về việc Mỹ hỗ trợ quân đội Philippines chống lại phiến quân Maute thân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Marawi.

Trong khi đó, quân đội Philippines hôm 10/6 cho biết Washington đang hỗ trợ Manila về vấn đề kỹ thuật trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng không trực tiếp điều binh sĩ Mỹ đến hiện trường.

Lầu Năm Góc cũng xác nhận Mỹ đang cung cấp cho quân đội Philippines “sự hỗ trợ về an ninh và huấn luyện” trên chiến trường Marawi. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết sự hỗ trợ này bao gồm giám sát trên không, nghe trộm điện tử, hỗ trợ về liên lạc và đào tạo binh sĩ.

Cùng ngày, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ ở Philippines cho biết các lực lượng Mỹ đang hỗ trợ Philippines thực hiện các chiến dịch đặc biệt trong cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân thân IS, "theo yêu cầu của Chính phủ Philippines".

Ngày 5/6, Chính phủ Mỹ đã bàn giao cho Philippines hàng trăm súng máy, súng lục, súng phóng lựu nhằm hỗ trợ Manila chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan tại Marawi.

Binh sĩ Philippines truy lùng các tay súng đang cố thủ tại Marawi. Ảnh: Reuter

Tính đến ngày 10/6, đã có 58 binh sĩ Philippines và 20 dân thường thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Marawi. Hiện còn khoảng 500 đến 1.000 công dân đang mắc kẹt tại thành phố này. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 200 tay súng khủng bố đang cố thủ trong các địa điểm khác nhau ở Marawi.

Philippines và Mỹ thiết lập mối quan hệ đồng minh thân thiết từ nhiều thập kỷ qua. Đáng chú ý, năm 1951, hai bên đã ký Hiệp ước quốc phòng chung nhằm bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bất kỳ một bên nào bị tấn công.

Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh lâu năm này có nguy cơ suy yếu bởi Tổng thống Duterte – người lên nắm quyền cách đây 1 năm đã bày tỏ thái độ thù địch đối với Washington và thề sẽ trục xuất các huấn luyện viên, cố vấn quân sự Mỹ đang có mặt tại Philippines.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn