Chiều 14/7, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh này, đã giải trình lý do lãnh đạo tỉnh thường xuyên vắng mặt trong các phiên tòa xét xử vụ án hành chính, không tham dự các buổi đối thoại với người khởi kiện.
Ông Liêm nhìn nhận trong thời gian qua số lượng án hành chính ở tỉnh tăng nhanh, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Liêm, hầu hết các nội dung khởi kiện trước đó đã được giải quyết qua quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo.
Ông Trần Thanh Liêm (bìa phải) thời điểm nhậm chức chủ tịch vào cuối năm 2015. |
Tuy nhiên, với nhiều góc độ khác nhau, việc giải quyết này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu người dân nên người dân chuyển qua bước khởi kiện hành chính tại tòa án.
Ông Trần Thanh Liêm dẫn quy định của luật Tố tụng Hành chính năm 2015: "Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này".
Tuy nhiên, theo ông Liêm, Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển mạnh, khối lượng công việc thường xuyên, phát sinh đột xuất hàng ngày trong chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động UBND tỉnh của lãnh đạo UBND tỉnh rất lớn; đồng thời quá trình giải quyết vụ án khá dài, tốn nhiều thời gian.
Do đó, UBND tỉnh thường xuyên có văn bản gửi tòa án để giải trình, bảo lưu nội dung giải quyết và có đơn xin giải quyết vắng mặt theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Liêm chia sẻ thêm: Có lúc cùng một thời gian mà chủ tịch tỉnh nhận 4 - 5 thư triệu tập của các thẩm phán trong các vụ án khác trong khi lại trùng với lịch làm việc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên không thể sắp xếp thời gian dự toà.
Theo NLĐ