Hôm 14/7 tại Manila, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Viện Potsdam tổ chức họp báo công bố Báo cáo chung "Một khu vực nhiều nguy cơ: Những khía cạnh về con người của biến đổi khí hậu tại Châu Á và Thái Bình Dương.
Báo cáo đánh giá quy mô và mức độ tác động của biến đổi khí hậu ở Châu Á và Thái Bình Dương cho tới cuối thế kỷ này, theo cách tiếp cận kịch bản phát triển thông thường (Business-as-Usual) về biến đổi khí hậu.
"Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước thách thức lớn nhất từ trước tới nay do biến đổi khí hậu", ông Bambang Susantono, phó chủ tịch chuyên trách Quản lý Tri thức và Phát triển Bền vững của ADB, cảnh báo.
Theo ADB, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất Châu Á do biến đổi khí hậu. Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 20 thành phố chịu nhiều thiệt hại nhất do lũ lụt gây ra, với nguyên nhân chủ yếu là triều cường và lượng mưa tăng nhanh.
Từ nay đến năm 2050, mực nước biển có khả năng dâng từ 1,5 đến 3m, nhấn chìm 26% diện tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 12% diện tích Đồng bằng sông Hồng.
Sản lượng lúa ở Việt Nam có thể giảm tới 50% vào năm 2100. Việt Nam do đó sẽ phải đối mặt với việc gia tăng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, các chuyên gia của ADB cũng cảnh báo nguy cơ tử vong gia tăng do các bệnh sốt rét và sốt xuất huyết.
Ông Bambang Susantono cảnh báo nguy cơ lớn nhất từ trước tới nay đối với Châu Á - Thái Bình Dương do biến đối khí hậu. Ảnh: ADB. |
Trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ADB cảnh báo nguy cơ nghèo đói và thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra.
Châu Á - Thái Bình Dương đã và đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng. Ước tính, sẽ có thêm 7 triệu trẻ em suy dinh dưỡng tại khu vực vào năm 2050. Các quốc gia cũng sẽ tốn thêm 15 tỷ USD chi phí cho lương thực.
Nguồn cung năng lượng của các nước châu Á - Thái Bình Dương cũng đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Điều này dễ dàng dẫn tới nguy cơ xung đột giữa các quốc gia trong cuộc cạnh tranh nguồn năng lượng hóa thạch có giới hạn.
ADB cũng cảnh báo nguy cơ to lớn về sức khỏe của người dân. Ô nhiễm không khí và nhiệt độ tăng cao bất thường cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm, và dự kiên sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới.
"Khu vực rất có khả năng sẽ rơi vào tình trạng nghèo khổ cùng cực, nếu các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu không được tiến hành mạnh mẽ và nhanh chóng", ông Bambang Susantono cho biết.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, báo cáo nêu bật tầm quan trọng của việc thực thi Hiệp định Paris. Các cam kết này bao gồm đầu tư của các chính phủ và khu vực tư nhân tập trung vào phi các-bon hóa nền kinh tế.
"Các nỗ lực giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép vào các chiến lược phát triển khu vực ở cấp vĩ mô", báo cáo của ADB cho biết.
Bên cạnh đó, ADB khuyến nghị các nước châu Á dịch chuyển sang hướng phát triển bền vững với xương sống là những ngành công nghiệp sạch và năng lượng tái tạo. Hướng phát triển này sẽ mang lại những cơ hội kinh tế chưa từng có cho châu Á, đồng thời cắt giảm khí thải toàn cầu và thúc đẩy sự thích nghi với biến đổi khí hậu.
Năng lượng tái tạo và công nghiệp sạch là giải pháp cho châu Á. Ảnh: Enasia. |
"Các quốc gia châu Á nắm giữ tương lai của Trái Đất trong tay mình. Nếu họ lựa chọn bảo vệ bản thân trước tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm, họ sẽ cứu giúp toàn bộ hành tinh này", giáo sư Hans Joachim Schellnhuber, giám đốc viện Postdam, nói.
Năm 2016, ADB phê duyệt mức tài chính kỷ lục 3,7 tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ và cam kết gia tăng đầu tư lên mức 6 tỷ USD vào năm 2020. Đối với Việt Nam, ADB đang triển khai các chương trình cải thiện cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Zing