Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBN của Mỹ phát sóng sáng 13/7, Tổng thống Donald Trump cho rằng Tổng thống Vladimir Putin muốn cựu nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton trở thành Tổng thống Mỹ hơn là muốn ông thắng cử.
Vị Tổng thống doanh nhân đã đưa ra nhiều lý do cho nhận định của mình: “Có nhiều thứ tôi thực hiện đi ngược hoàn toàn với mong muốn của ông Putin. Tôi muốn nguồn năng lượng dồi dào, muốn nói về than đá, khí đốt, khai thác dầu đá phiến, đó là những thứ mà ông Putin ghét”.
Đương kim Tổng thống Mỹ lý giải: “Mỹ là quốc gia hùng mạnh trên thế giới và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn bởi tôi là người muốn quân đội lớn mạnh. Đó là điều ông Putin không thích ở tôi. Nếu bà Clinton thắng cử thì sức mạnh quân đội Mỹ sẽ giảm trong khi năng lượng thì đắt đỏ hơn”.
Cho rằng Putin thích Hillary thắng cử, Trump đã tạo khoảng cách mới với Putin |
Tổng thống Trump đã khiến cho dư luận hết sức bất ngờ, thậm chí có người không thể tin nổi nên đã cho rằng dường như bộ đôi Trump – Putin đang diễn, chứ không phải đó là quan điểm của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Tuy nhiên, nếu điều đó diễn ra trước cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai ông Trump và Putin bên lề Hội nghị G-20 Hamburg 2017 thì dường như là kịch bản, song trong bối cảnh hiện nay thì có thể nhận diện ông Trump không nói đùa và nhà lãnh đạo Mỹ được cho là đang chuẩn bị những nước cờ mới. Tại sao vậy?
Ông Trump chủ động tạo khoảng cách
Từ khi quyết định ra tranh cử tổng thống, trong quá trình vận động tranh cử đến khi thắng cử và nắm quyền lực, vị tỷ phú bất động sản Donald Trump đã tạo ra quá nhiều bất ngờ với nước Mỹ và thế giới, trong cả lời nói và hành động.
Và đến khi thực thi quyền lực thì việc ông Trump gây bất ngờ với cả dư luận và công luận thậm chí còn nhiều hơn, song tựu trung lại phía sau những bất ngờ, những ngạc nhiên bao quanh Trump vẫn luôn là “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng mọi cách.
Dư luận đã nhìn nhận khi Tổng thống Trump nắm quyền lực thì việc cải thiện quan hệ Nga – Mỹ sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu, mà điều đó được dựa trên cơ sở ông Trump ngưỡng mộ ông Putin và ông Putin đã phải khốn khổ vì chiến thắng của người đồng nhiệm.
Vậy nhưng vị Tổng thống doanh nhân đã khiến cả thế giới tròn xoe mắt khi gạt bỏ đề xuất của Moscow, ra lệnh cho phóng Tomahawk vào Syria trừng phạt chính quyền Assad - vốn được Moscow bảo trợ và che chở. Ông Trump đã đưa quan hệ Nga - Mỹ xuống thấp nhất thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Cùng với đó Trump quay ngoắt 180 độ khi nhìn nhận NATO hết lỗi thời, tạo điều kiện cho quân đội NATO, trong đó có quân lực Mỹ, tạo thế nguy hiểm trong đối trọng với Nga bằng nhiều kế hoạch động binh, điều binh ngày càng sát với biên giới nước Nga.
Để gia tăng độ căng thẳng và cộng hưởng sự quyết liệt, Tổng thống Trump đã quyết định điều chỉnh chiến lược quân sự của Mỹ tại các chiến trường, mà ngay lập tức đã tạo ra những hành động mang tính gây hấn với Nga, trong đó có việc bắn rơi máy bay chiến đấu của Syria và mở lối cho Israel liên tiếp không kích lãnh thổ Syria.
Khi thời gian cho cuộc gặp đầu tiên giữa Trump với người mà ông ngưỡng mộ đang đến gần thì Washington công bố gia danh sách những thể nhân và pháp nhân bị trừng phạt vì quan hệ, liên hệ với những hành động của Moscow tại Ukraine, khiến cuộc gặp tưởng chừng không diễn ra được.
Khi cuộc gặp lịch sử của bộ đôi Trump – Putin diễn ra với dự kiến chỉ có 30 phút, nhưng đã kéo dài tới hơn 130 phút, bất chấp sự hối thúc của Đệ nhất phu nhân Melania Trump, khiến nhiều người đã nhận định điều đó là thể hiện sự hoà hợp của bộ đôi quyền lực này.
Thậm chí một thoả thuận ngừng bắn tại chiến trường Syria đã được thống nhất sau cuộc gặp đầu tiên của bộ đôi Trump – Putin, điều đó càng khiến dư luận mường tượng ra một sự đột phá thân thiện Nga – Mỹ đã bắt đầu, sự thiện cảm và hoà hợp của bộ đôi Trump – Putin đã được khẳng định sau một vài cơn gió độc.
Vậy mà chỉ tròn một tuần sau cuộc gặp gỡ lịch sử ấy, nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra nhận định người mà ông ngưỡng mộ mong muốn đối thủ của ông thắng cử chứ không phải là ông.
Trump cho thấy cuộc gặp đầu tiên với Putin kéo dài gấp hơn 4 lần thời gian dự kiến không phải vì sự hoà hợp |
Qua hành động của ông chủ Nhà Trắng, cho thấy cuộc gặp kéo dài hơn dự kiến có lẽ chỉ là để xả hết hết bức xúc giữa hai nhà lãnh đạo - mà có thể hai bên chưa biết chính xác khi nào mới có thể gặp lại - chứ không hẳn là sự hoà hợp cao độ như ai đó nhìn nhận.
Ông Trump nói điều đó dường như không chỉ để sướng miệng mà thực ra vị tổng thống doanh nhân đang chuẩn bị cho những nước đi mới của mình. Bởi sau những nhận định này khoảng cách giữa ông và người ông ngưỡng mộ chắn chắn sẽ được nới rộng ra.
Như vậy, từ cả lời nói lẫn hành động, Tổng thống Trump đã cho thấy sự thiện cảm ông dành cho Tổng thống Putin đã nhạt nhoà, bởi những điều ông mong muốn thì ông Putin không thích và ngược lại. Chính ông Trump đã tạo ra một rào cản mới với ông Putin.
Ông Trump chủ động phá lồng nhốt quyền lực để dễ dàng thực thi quyền lực
Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, tỷ phú Donald Trump bị cho là đã phá vỡ nguyên tắc của chính trị chính thống, khi liên tục khen ngợi tài năng và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Putin. Điều đó khiến ông Trump và đội ngũ cố vấn của ông bị nghi ngờ tạo điều cho Kremlin can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Vì vậy, ngay sau khi ứng viên Donald Trump được tuyên bố thắng cử, tháng 12/2016 Tổng thống Obama đã quyết định tái điều tra "yếu tố Nga" liên quan đến chiến thắng của vị tỷ phú bất động sản. Bằng quyết định này, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã chính thức tạo ra chiếc lồng nhốt quyền lực của người kế nhiệm.
"Khi một quốc gia có thể can thiệp vào các cuộc bầu cử của chúng ta thì họ sẽ buộc cả hai đảng phái chính trị lớn của nước Mỹ phụ thuộc vào của họ. Các Thượng nghị sĩ yêu cầu một cuộc điều tra có các phiên điều trần trước Quốc hội để làm rõ trắng đen", lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer hưởng ứng quyết định của ông Obama.
Người ta đã thống kê từ ngày 18/6/2013 - khi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ của Trump được tổ chức tại Moscow – đến ngày 27/10/2016 – khi chỉ còn 10 ngày là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tổng cộng tỷ phú Donald Trump đã 76 lần tiếp xúc, nói chuyện hay khen, chê đối với nhà lãnh đạo Nga.
Sau cuộc gặp đầu tiên, dường như khoảng cách của bộ đội Putin - Trump đã được nới rộng ra |
Dù bản chất mối quan hệ của ông Trump với ông Putin có nhiều thay đổi, thậm chí mâu thuẫn trong suốt quá trình liên hệ và trong các lần liên hệ, nhưng với giới tinh hoa Mỹ điều đó không làm thay đổi nhận định rằng “yếu tố Putin” có trong chiến thắng của ông Trump.
Thực tế đó diễn ra khiến việc ông Putin "giúp" ông Trump thắng cử vô tình làm hại vị tân Tổng thống. Chiếc ghế Tổng thống có thể không bị lung lay, nhưng việc ra quyết định đã gặp rào cản rất lớn từ những nhánh quyền lực khác của nước Mỹ.
Và ông Trump đã phải chủ động phá rào cản quyền lực của mình. Ngày 12/1 khi trả lời phỏng vấn The Wall Street Journal, vị Tổng thống đắc cử đã nêu vấn đề vì sao Nga lại bị trừng phạt nếu Nga làm những điều thực sự tuyệt vời cho Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, theo quan điểm của Tổng thống Trump, hành động tuyệt vời của Nga chỉ có thể đổi lấy việc không bị trừng phạt, còn việc Mỹ có làm điều tốt cho Nga hay không thì chưa thể biết được. Điều đó cho thấy một quan hệ rất không bình đẳng giữa Washington với Moscow đã được tân Tổng thống Mỹ định dạng.
Vậy nhưng lồng nhốt quyền lực của ông Trump chỉ vì yếu tố Nga vẫn được các đối thủ liên tục gia cố. Gần đây nhất là hồi tháng 6, Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật trừng phạt Nga, qua đó, có thể bó chặt hơn quyền lực của người đứng đầu Nhà Trắng với công cụ của việc luật pháp hoá chính trị.
Điều đó chứng tỏ hành động những hành động quyết liệt của ông Trump, thậm chí gây ra xung đột với Nga, vẫn chưa được ghi nhận là ông đã cách ly yếu tố Nga, mà nguyên nhân vẫn là do Tổng thống Trump vẫn còn thiện cảm với người ông ngưỡng mộ.
Nay thì giữa thanh thiên bạch nhật, nhà lãnh đạo Mỹ đã chính thức gạt bỏ điều ấy, bởi “ông Putin muốn điều tốt đẹp cho nước Nga còn tôi muốn những gì có lợi cho nước Mỹ. Ngay từ đầu tôi đã mong ước về một quân đội mạnh mẽ. Ông Putin thì không muốn điều đó”, theo CBN.
Theo Đất Việt