Theo báo Pháp chế buổi chiều, bốn người trước đó là Dương Cương, Vương Dân, Tô Vinh, Bạch Ân Bồi. Người thứ 5 là Vương Tam Vận, vừa bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc (UBKTKL) thông báo điều tra vào chiều 11/7.
Vương Tam Vận khi còn đương chức |
Tư liệu công khai cho thấy, Vương Tam Vận sinh năm 1952, quê ở Sơn Đông. Vận chính thức bước vào nghiệp chính trị với khởi điểm khá cao: Thư ký Ban Tổ chức tỉnh ủy Quý Châu, rồi làm Bí thư thành ủy Quý Dương, đến tháng 10/1988 đã là Phó Bí thư tỉnh ủy Quý Châu. Vận đã liên tục công tác ở Quý Châu suốt 30 năm.
10 năm sau đó, Vương Tam Vận lần lượt luân chuyển giữ chức phó bí thư các tỉnh Tứ Xuyên, Phúc Kiến, An Huy, trong đó giữ chức Tỉnh trưởng An Huy 4 năm. Tháng 12/2011, Vận được điều chuyển làm Bí thư tỉnh ủy Cam Túc, vào trung ương tại Đại hội 18.
Ngày 27/4/2017, Vận được điều về Bắc Kinh làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, văn hóa, giáo dục của Quốc hội. Tính đến ngày 11/7 vừa tròn 75 ngày thì Vận bị giam lỏng, bị điều tra vì vi phạm kỷ luật.
Vận bị ngã ngựa liên quan đến việc Tổ tuần thị số 3 của trung ương tiến hành đòn “hồi mã thương” tái thanh tra Cam Túc từ ngày 8/11/2016 đến 6/1/2017.
Báo cáo về kết quả thanh tra ngày 11/2/2017 của tổ có nhắc đến việc họ “nhận được một số manh mối phản ánh vấn đề vi phạm của một số cán bộ lãnh đạo, đã chuyển giao UBKTKL và Ban Tổ chức trung ương xử lý theo quy định”.
Đầu năm nay, Ngu Hải Yến, Ủy viên thường vụ, Phó tỉnh trưởng Cam Túc đã trở thành người đầu tiên bị ngã ngựa. Yến được vào Ban thường vụ tỉnh ủy 5 tháng sau khi Vận về làm Bí thư Cam Túc. Trong thông báo kỷ luật Yến, UBKTKLTW nêu tội “gây bè cánh, thế lực tư nhân, đối kháng sự thẩm tra của tổ chức”.
Ngoài Vương Tam Vận, trước đó đã có 4 quan chức cũng không thể “hạ cánh an toàn” vì phạm tội trong thời gian giữ chức.
Dương Cương
Dương Cương bị đưa ra xét xử |
Chín tháng sau khi rời khỏi chức Phó bí thư, Cục phó Cục Kiểm nghiệm, giám sát chất lượng và Kiểm dịch quốc gia để đi giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Chính Hiệp, Dương Cương đã bị bắt.
Điều tra ban đầu cho thấy, hành vi vi phạm pháp luật và kỷ luật của Cương xảy ra trong thời gian 16 năm ông ta giữ chức Phó ban Nhân sự Khu tự trị Tân Cương và Phó cục trưởng Cục Kiểm nghiệm, giám sát chất lượng và Kiểm dịch quốc gia.
Ngày 20/1/2016, Cương đã nhận mức án 12 năm tù vì tội nhận hối lộ 13,79 triệu NDT (45,5 tỷ VND).
Vương Dân
Vương Dân khi còn đương chức |
Vương Dân, Ủy viên trung ương khóa 18 rời chức Bí thư Liêu Ninh ngày 4/5/2015 về Bắc Kinh nhận chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, văn hóa, giáo dục của Quốc hội từ 1/7/2015. Đến ngày 4/3/2016, Dân bị thông báo điều tra.
Ngày 7/7/2017, Dân đã bị tòa án đưa ra xét xử vì các tội tham nhũng , nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm nghiêm trọng. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nêu rõ, Vương Dân đã tham ô, nhận hối lộ trong thời gian giữ các chức Tỉnh trưởng, Bí thư Cát Lâm, Bí thư Liêu Ninh; thiếu trách nhiệm trong thời gian lãnh đạo Liêu Ninh.
Tô Vinh
Tô Vinh khi đang là Phó chủ tịch Chính Hiệp |
Đối với Tô Vinh, Ủy viên trung ương khóa 16,17 bị điều tra khi đang giữ chức Phó chủ tịch Chính Hiệp.
Ông ta đã lợi dụng các chức vụ trước đó, gồm Bí thư tỉnh ủy Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Cam Túc, Hiệu phó Trường Đảng trung ương, Bí thư tỉnh ủy Giang Tây, để vơ vét gần 200 triệu NDT (660 tỷ VND), cuối cùng bị nhận án tù chung thân .
Bạch Ân Bồi
Bạch Ân Bồi trước tòa |
Khác với những người trên, Bạch Ân Bồi (Ủy viên TW các khóa 15, 16, 17) không chỉ lợi dụng các chức vụ như Bí thư Thanh Hải, Bí thư Vân Nam để thu tiền mà còn kiếm chác cả khi “được” điều về Bắc Kinh giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài nguyên và Bảo vệ môi trường Quốc hội.
Tổng số tiền Bồi vơ vét được lên tới 246 triệu NDT (811,8 tỷ VND). Bồi là đại quan tham đầu tiên bị nhận án tù chung thân sau khi thực thi Luật hình sự sửa đổi.
Theo Vietnamnet