Mỹ-Nga can thiệp quân sự, Libya biến thành Triều Tiên thứ 2?

Thứ năm, 13/07/2017, 15:37
Theo thông tin trên trang web “AntiWar.com” cho biết, Mỹ đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở Libya nhằm đối phó với Nga.

Quyết không nhường Nga, Mỹ nhảy vào chia phần bánh Libya

Theo bài viết trên trang AntiWar.com, các quan chức Hoa Kỳ nắm được các thông tin quan trọng đã tiết lộ rằng, sắp tới, chính quyền của ông Donald Trump có thể sẽ thông báo một thông tin rất quan trọng về sự can thiệp quân sự của Mỹ vào quốc gia Bắc Phi là Libya.

Hoa Kỳ sẽ bổ nhiệm một đại sứ mới và thiết lập một sự hiện diện quân sự vĩnh viễn của Mỹ ở đất nước đang chìm đắm trong cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc và hiện đang bị chia cắt làm hai nửa Đông - Tây; đồng thời cũng đang phải căng sức chống lại sự tấn công của các nhóm khủng bố.

Theo đó, hoạt động quân sự của Mỹ ở Libya chủ yếu nhằm mục đích hỗ trợ “Chính phủ thống nhất” ở Tripoli (chính quyền phía Tây), nhưng các quan chức Hoa Kỳ cũng cho biết rằng, Lầu Năm Góc cũng có thể sẽ triển khai một số lượng quân chưa xác định vào cuộc chiến ở thành phố Benghazi, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của phe thân Nga (chính quyền phía Đông), nhằm hướng tới việc thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của “Chính phủ thống nhất” do phương Tây hậu thuẫn.

Trước đây, cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama đã quyết định hậu thuẫn cho quân đội của “Chính phủ thống nhất” trong cuộc tấn công vào thành phố Sirte nằm bên bờ Địa Trung Hải. Đồng thời Mỹ cũng dự định sẽ điều quân đội Mỹ tới lIbya để đánh lại ISIS.

Mục đích của hành động này là mong muốn chiến thắng của “Chính phủ thống nhất” ở thành phố này sẽ mang lại cho họ lợi thế lớn hơn chính phủ đối thủ. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa trở thành hiện thực, và chính quyền phía Đông Libya chủ yếu là do Quốc hội Tobruk và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) thống trị đang ngày càng mạnh lên, chiếm ưu thế so với chính quyền phía Tây.

Các quan chức Mỹ nói rằng, chính quyền Washington hài lòng với sự gia tăng sự hiện diện của họ ở Somalia và đang tìm cách để lặp lại sự leo thang đột ngột ở Libya, cố gắng thiết lập sự hiện diện thường trực của Mỹ ở đất nước này để bảo đảm rằng, những nhân vật lên nắm quyền lực ở Libya sẽ là những đồng minh của Mỹ.

Mỹ chuẩn bị can thiệp quân sự vào Libya để tranh giành ảnh hưởng với Nga?

Theo giới truyền thông, Lầu Năm Góc đã bắt đầu đẩy mạnh thu thập nhiều hơn thông tin tình báo về đất nước Bắc Phi này ngay từ cuối năm 2016 để chuẩn bị cho kế hoạch can thiệp quân sự vào Libya, với kịch bản là các cuộc không kích và đòn tấn công của các đơn vị đặc nhiệm Mỹ.

Washington cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng minh nòng cốt trong khối NATO, cụ thể là của Anh, Pháp và Italia, bởi trước khi có ý định can thiệp quân sự vào Libya, Washington đã thăm dò trước ý kiến của các đồng minh châu Âu.

Libya là mảnh đất địa đầu Bắc Phi, có ảnh hưởng lớn đối với châu Phi nên các đồng minh của Mỹ đã nhanh chóng hưởng ứng. Giới truyền thông cho rằng, chính quyền Italia và Anh đang đứng đằng sau các vụ tấn công gần đây của chính quyền phía Tây nhằm tìm cách chiếm lại các cảng dầu, thậm chí ở Misrata có một bệnh viện chuyên chứa chấp và điều trị những tay súng khủng bố của lực lượng phía Tây Libya.

Thông tin này được giới chức Mỹ tiết lộ trong bối cảnh lực lượng phía Tây đang thất bại trước lực lượng phía Đông và đối thủ Nga đang tăng cường phạm vi ảnh hưởng ở Libya, thậm chí, các doanh nghiệp Nga đã bắt đầu nhảy vào đầu tư kiếm lợi ở phía Đông Libya.

Nga gia tăng ảnh hưởng và kiếm lợi ở phía Đông Libya

Sau khi chế độ Muammar Gaddafi bị lật đổ vào tháng 10/2011, Libya đã trở nên vô cùng loạn lạc, các ổ nhóm khủng bố kéo về đánh chiếm nhiều vùng đất; cùng với đó, xung đột giữa nhóm chính trị và sắc tộc khác nhau bùng phát đã chia rẽ đất nước thành 2 nửa.

Nắm quyền ở Tripoli, quản lý khu vực phía Tây đất nước là Chính phủ quốc gia Libya, được các nước phương Tây hỗ trợ. Còn ở thành phố Tobruk bầu ra "Nghị viện Libya", quản lý khu vực phía Đông đất nước, chịu ảnh hưởng lớn của tướng Khalifa Haftar - lãnh đạo lực lượng “Quân đội Quốc gia Libya” (LNA).

Các bên đã ký thỏa thuận hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc hồi tháng 12/2015. Theo thỏa thuận này, Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo, đứng đầu là Thủ tướng Fayez Serraj được thành lập và bắt đầu hoạt động ở Tripoli từ ngày 30/3/2016.

Mặc dù vậy, cho đến nay GNA vẫn đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong bối cảnh quốc hội do dân bầu (tức “Nghị viện Libya”) ở Tobruk, vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này, trong khi chính quyền ở Tripoli cũng không muốn từ bỏ quyền lực.

Theo giới phân tích, Nga đang có quan hệ rất tốt với "Nghị viện Libya" ở thành phố Tobruk, do Tướng Haftorah lãnh đạo. Chính quyền phía Đông ngày càng vững chắc và LNA - dưới sự hậu thuẫn đắc lực của Nga, đang kiểm soát chặt chẽ nửa phía Đông đất nước.

Vào hồi tháng 9/2016, tướng Khalifa Haftar đã cử đại sứ Libya ở Saudi Arabia là ông Abdel Basset al-Badri làm đặc phái viên tới Moscow, yêu cầu Nga bắt đầu cung cấp các loại vũ khí và trang thiết bị cho LNA để phục vụ cuộc chiến chống khủng bố IS và al-Qaeda.

Hồi giữa tháng 2/2017, đã xuất hiện thông tin cho biết, sau khi hoàn thành sứ mệnh quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria hồi tháng 1 vừa qua, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và biên đội tàu hộ tống của Nga đã ghé cảng Torbuk của Libya trong vài giờ.

Tờ Tages Anzeiger cho biết, sau khi tàu cập cảng, đã diễn ra một hội nghị truyền hình giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và ông Khalifa Haftar - Tổng Tư lệnh quân đội của chính quyền "Nghị viện Libya" (LNA), để bàn về sự hợp tác chống khủng bố.

Nga và Mỹ có thể thiết lập các căn cứ quân sự ở các thành phố trọng điểm ở phía Đông và phía Tây Libya

Tuy nhiên, "các nguồn tin thân cận với chính phủ" khẳng định, hai quan chức này đã thảo luận kế hoạch đưa Nga trở lại Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời chính quyền phía Đông sẽ cho Nga triển khai hai căn cứ quân sự ở hai trọng điểm Tobruk và Benghazi của Lybia.

Giới phân tích nhận định, sau những hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi bị giết trong cuộc chiến ở Syria (với sự tổ chức và hậu thuẫn của phương Tây), việc chính phủ Libya không ngăn nổi sự sụp đổ của nhà nước vào năm 2015 là "một cơ hội cho Moscow".

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chính trị rối ren ở Libya, Nga sẽ triển khai một số căn cứ quân sự ở phía Đông Libya, vừa giúp họ đánh các tổ chức khủng bố IS và al-Qaeda, vừa ngăn chặn các thế lực quân sự phía Tây thôn tính toàn bộ đất nước, biến Libya thành “Syria thứ 2”.

Về kinh tế, Nga đang tranh thủ việc Libya là một trong 2 quốc gia thành viên OPEC được miễn cắt giảm sản lượng khai thác và hạn ngạch xuất khẩu dầu thô vì ảnh hưởng của cuộc nội chiến để hợp tác khai thác dầu; vừa giúp bù đắp được thiệt hại cho nước Nga vì phải cắt giảm sản lượng, mà còn giúp Libya gia tăng lợi ích, qua đó nâng cao sức mạnh tài chính cho thực thể chính trị tại miền Đông Libya, vốn được xem là thân Nga.

Giới phân tích cho rằng, cả Nga lẫn phương Tây đều đang nỗ lực tranh giành ảnh hưởng địa-chính trị, nhằm chi phối đường lối chính trị của quốc gia này trong tương lai, hoặc chí ít là mỗi bên nắm một nửa đất nước, không cho đối thủ toàn quyền chi phối chính quyền Libya.

Do sự can thiệp quân sự và tranh giành ảnh hưởng của Nga và Mỹ, rất có thể đất nước Libya sẽ bị chia cắt thành 2 nửa Đông-Tây và đất nước này hoàn toàn có thể biến thành một “Triều Tiên thứ hai”.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn