|
Công việc nặng nhọc nhưng công nhân vệ sinh đang bị “treo” lương |
Nhịn bữa đi làm
Anh Nguyễn Ngọc Châu (35 tuổi, ngụ P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức) là công nhân (CN) dọn rác thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích (DVCI) Thủ Đức, có thâm niên hơn 5 năm, với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm 2017 đến nay, anh Châu không nhận được lương mà chỉ được tạm ứng 1 - 2 triệu đồng/tháng. Anh Châu có 2 con: bé lớn 5 tuổi học mẫu giáo và bé nhỏ mới 1 tuổi nên vợ phải nghỉ làm ở nhà trông con. Cả gia đình 4 miệng ăn chỉ sống nhờ vào đồng lương khiêm tốn của anh.
“Tiền học, tiền sữa cho con, tiền thuê nhà 2 triệu đồng, mỗi tháng mất 4 - 5 triệu đồng. Từ tết giờ không có tiền tôi phải vay mượn khắp nơi, đến nay nợ hơn 10 triệu đồng mà chưa có tiền trả”, anh Châu chia sẻ.
Cũng theo anh Châu, mới đây công ty chi trả gần 2 tháng lương nhưng vừa lãnh xong đem trả nợ hết. “Không có tiền, dù công việc nặng nhọc nhưng sáng phải nhịn ăn, trưa ăn tạm ổ bánh mì rồi làm tới chiều tối về nhà có gì ăn nấy. Nhiều lúc muốn nghỉ kiếm công việc khác nhưng chưa biết làm gì. Mình không có trình độ, không có nghề nghiệp gì, nghề dọn rác là thấp kém nhất rồi còn làm gì khác nữa?”, anh Châu chua chát.
"Không có tiền, dù công việc nặng nhọc nhưng sáng phải nhịn ăn, trưa ăn tạm ổ bánh mì rồi làm tới chiều tối về nhà có gì ăn nấy. Nhiều lúc muốn nghỉ kiếm công việc khác nhưng chưa biết làm gì" |
Tương tự, anh Lê Văn Tân, CN quét đường (Công ty DVCI Q.12) cho biết từ đầu năm 2017 đến nay anh không nhận được đồng lương nào, phải vay mượn bạn bè mới có tiền để lo cho 2 con ăn học, đến nay đã nợ hơn 20 triệu đồng! Vợ anh làm CN ở một công ty khác với mức lương ít ỏi. Vì vậy, để duy trì cuộc sống, ngoài giờ làm, anh Tân phải chạy vạy làm thêm đủ việc, ai kêu gì làm nấy. “Cuối tuần vừa rồi, công ty trả gần 2 tháng lương được hơn 7 triệu đồng, mừng quá trời nhưng đem về trả nợ cũng không đủ. Nếu tình trạng cứ như vậy chắc tôi nghỉ tìm việc khác quá chứ làm sao mà sống”, anh Tân tâm sự.
Chưa biết khi nào trả dứt nợ
Ngày 11.7, ông Vũ Quốc Bảo, Giám đốc Công ty DVCI Thủ Đức, cho biết theo trình tự, công ty ký hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác với Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM (Citenco). Theo hợp đồng, chi phí thu gom, vận chuyển rác sẽ được Citenco thanh toán lại, sau đó công ty mới thanh toán lại tiền lương cho CN. Tuy nhiên, từ tháng 10.2016 đến nay, công ty không được thanh toán bất kỳ khoản chi phí nào cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải. Số nợ ước tính khoảng 31 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các khoản bù tiền vận chuyển rác từ năm 2014 - 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 cũng chưa được chi trả.
“Để duy trì hoạt động và chi trả lương cho khoảng 230 CN, công ty đã vay ngân hàng hơn 10 tỉ đồng và xoay từ nhiều khoản khác nhưng vẫn không đủ tiền để mua nhiên liệu, sửa chữa xe và trả lương cho CN”, ông Bảo nói và cho biết thêm: “Nhiều chế độ khác như nghỉ mát, thưởng Tết cho CN cũng phải cắt bớt. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, một lãnh đạo công ty đã phải thế chấp nhà riêng của mình để công ty có tiền trả lương và chăm lo Tết cho CN”.
Đại diện Công ty DVCI Q.12 cũng cho biết ngày 8.7, công ty đã được Citenco cho tạm ứng hơn 6 tỉ đồng (trong tổng số nợ 31,4 tỉ đồng). Ngay trong ngày, công ty đã tiến hành chi trả 1,5 tháng lương cho người lao động, đồng thời trích 810 triệu đồng để đóng trước 2 tháng nợ bảo hiểm xã hội và mua thẻ bảo hiểm y tế cho CN. Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Tiền lương (Công ty DVCI Q.12), lo lắng: “Sắp tới công ty không biết sẽ hoạt động như thế nào khi không có chi phí để trang trải”.
Theo đại diện Citenco, UBND TP hiện chưa phê duyệt đơn giá DVCI chính thức nên công ty chưa được cấp kinh phí đầy đủ, vì vậy chưa thể tiến hành thanh toán dứt điểm cho các công ty DVCI quận, huyện. Đến nay vẫn chưa xác định được cụ thể thời gian nào sẽ thực hiện việc chi trả đầy đủ các khoản nợ trên.
Giải quyết rốt ráo các tồn đọng
Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP, cho biết UBND TP đã giao cho Sở TN-MT tham mưu, giải quyết rốt ráo nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho CN.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, việc chậm quyết toán khối lượng công việc trong các năm bị tác động bởi nhiều yếu tố, dẫn đến phải sử dụng đơn giá tính chi phí DVCI của những năm trước (năm 2013) để tạm thanh toán nên chưa tính đúng, tính đủ cho các công ty DVCI.
“Đối với đơn giá các năm 2014, 2015, 2016, sau nhiều lần làm việc, Sở TN-MT, Sở Tài chính và Kiểm toán Nhà nước khu vực 4 đã thống nhất ý kiến. Trên cơ sở này, liên sở TN-MT và Tài chính sẽ trình UBND TP phê duyệt làm cơ sở quyết toán đầy đủ, giải quyết dứt điểm các tồn đọng”, ông Thắng nói.
|
Theo Thanh Niên