Ngay sau khi lực lượng công binh và đội quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 7 kết thúc ngày tìm kiếm thứ 5 tại khu vực nghi có mộ tập thể ở Tân Sơn Nhất chiều 11-7, thông tin với Tuổi Trẻ Online, Thiếu tướng Trần Hữu Tài nói: “Nhiều di vật đã tìm thấy, quân đội vẫn tiếp tục tìm kiếm tích cực, thận trọng.
Tuy nhiên, thiếu tướng Tài cũng cho biết chưa thể kết luận điều gì ở thời điểm này.
Nhiều dép râu và cáng cứu thương
Theo quan sát của Tuổi Trẻ Online, trong ngày 11-7, lực lượng tìm kiếm đã đào thêm hai hố tìm kiếm.
Hố thứ nhất đào vào buổi sáng, dài khoảng 8m, rộng hơn 2m, và sâu khoảng 1,5m. Buổi chiều, một hố nữa được đào với diện tích hẹp hơn.
Khu vực tìm kiếm ngày 11-7 |
Tại hiện trường, các di vật đã được quân đội cẩn trọng đưa lên sau khi bóc tách từng lớp đất. Nhiều nhất là các tấm vải dù, quần áo, nón tai bèo.
Tiếp đó là các đầu đạn, trong đó có đạn AR15, hộp đạn AK…
Lực lượng tìm kiếm cũng đưa lên nhiều cáng cứu thương bằng nhôm màu xám bạc đã bị gãy. Đây là các loại cáng cứu thương của quân đội Mỹ.
Theo KTS Nguyễn Xuân Thắng cáng cứu thương này cùng chủng loại với cáng cứu thương được phát hiện tại mộ tập thể các chiến sĩ giải phóng quân hy sinh trong trận Mậu Thân đợt 1 năm 1968, vừa được quy tập tại sân bay Biên Hòa.
Đặc biệt, có nhiều đôi dép râu bằng cao su cũng được tìm thấy.
Trao đổi với PV, ông Vũ Chí Thành – trung đội phó đại liên, tiểu đoàn 16 – đơn vị trực tiếp đánh vào cánh Tây sân bay Tân Sơn Nhất khẳng định đây là loại dép mà các đồng đội của ông mang khi tham gia chiến dịch.
Lực lượng tìm kiếm tiến hành đào bằng tay để tìm kiếm di vật |
Nhiều cáng thương được tìm thấy |
“Chưa thể kết luận”
Trao đổi với PV xung quanh việc tìm được các di vật này, thiếu tướng Trần Hữu Tài nói đó là những manh mối nhưng chưa thể đưa ra kết luận.
Tướng Trần Hữu Tài phân tích ở cánh Tây Tân Sơn Nhất có thể có hai mộ tập thể của các chiến sĩ giải phóng quân.
Các di vật như quần áo, dép râu, cáng cứu thương đúng là tín hiệu rõ ràng về một hố chôn tập thể, chứng tỏ sự hy sinh của các chiến sĩ giải phóng quân ở đây.
“Đây có thể là di vật thuộc khu mộ tập thể thứ hai. Nhưng cũng có thể chỉ là di vật của khu mộ tập thể thứ nhất mà trong quá trình chôn hoặc quy tập đã được bỏ ra” - Thiếu tướng Trần Hữu Tài nói.
Để kết luận được theo tướng Trần Hữu Tài cần phải tiếp tục tìm kiếm và phân tích cẩn trọng, chính xác.
Là người trực tiếp có mặt tại hiện trường tìm kiếm KTS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá những di vật tìm được như nón tai bèo, dép râu, cáng cứu thương… là tín hiệu rất khả quan.
Quan sát từ hiện trường ông Thắng cho biết tất cả các di vật đều được các chiến sĩ đào bới và đưa lên rất cẩn trọng, giữ nguyên trạng để phục vụ quá trình đánh giá, kết luận.
“Phải nói là lực lượng tìm kiếm làm rất cẩn trọng, đầy tinh thần trách nhiệm. Tôi rất xúc động.” – Ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định
Về ba vị trí hố đào đã thực hiện, KTS Nguyễn Xuân Thắng phân tích vị trí quan trọng nhất là tấm bảng màu đen như trong ảnh của quân đội Mỹ chụp năm 1968 (nơi được cho là có mộ tập thể) vẫn chưa đào đến.
Vị trí tấm bảng đen theo xác định của ông Nguyễn Xuân Thắng là nằm cạnh hố đào sáng 11-7. Cách làm như những ngày vừa qua theo ông là nhằm tìm kiếm dứt điểm từng khu vực, trước khi đào đến điểm quyết định.
“Tôi cho rằng cách tìm kiếm này là hợp lý, khoa học và chúng tôi rất hy vọng” - KTS Nguyễn Xuân Thắng nói.
Di vật được bóc tách và đưa lên cẩn trọng |
Các di vật được bóc tách và đưa ra khu vực tìm |
Chiều 11-7, hố thứ hai được đào trong khu vực khoanh vùng |
Theo TTO