Còn mộ tập thể liệt sĩ ở Tân Sơn Nhất

Thứ năm, 06/07/2017, 13:42
“Từ thông tin của các nhân chứng, từ tài liệu của phía Mỹ và phân tích đánh giá, có thể khẳng định còn một mộ tập thể nữa của các liệt sĩ tại Tân Sơn Nhất, hy sinh trong đợt 1 Mậu Thân 1968”.

Thiếu tướng Trần Hữu Tài phát biểu tại hội thảo

Thiếu tướng Trần Hữu Tài - Phó chủ nhiệm Chính trị quân khu 7 nói như vậy tại hội thảo “Khảo sát tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh trong trận đánh vào phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất vào Tết Mậu Thân năm 1968” do Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức sáng 6-7.

Ông Tài nói khó khăn là ở chỗ sự việc đã xảy ra gần 50 năm, địa vật địa hình đã thay đổi, chưa có nhân chứng có thể bao quát được tổng số liệt sĩ đã hy sinh, số đơn vị tham gia.

Còn rất nhiều việc nữa phải làm, chúng ta sẽ không dừng ở đây mà làm hết sức để đưa các anh về”, Thiếu tướng Trần Hữu Tài khẳng định.

Còn bao nhiêu liệt sĩ nằm lại Tân Sơn Nhất?

Đây là câu hỏi xuyên suốt được Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP.HCM, các nhân chứng, các nhà nghiên cứu đặt ra. Tài liệu mà Bộ Tư lệnh TP.HCM và KTS Nguyễn Xuân Thắng tổng hợp nêu ra con số 600 - 700 liệt sĩ đang nằm lại ở hố chôn thứ 2.

Tuy nhiên, người trực tiếp tham gia trận đánh vào Tân Sơn Nhất trong đợt 1 Mậu Thân 1968 là ông Vũ Chí Thành, nguyên là trung đội phó trung đội đại liên, tiểu đoàn 16, lại ước tính con số cao hơn. “Theo tôi có không dưới 1.000 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận đánh này”, ông Thành nói.

Căn cứ của ông Vũ Chí Thành là riêng tiểu đoàn 16 đã có 550 chiến sĩ tham gia trận đánh, chỉ trở về hơn 100 người. Vẫn còn hơn hơn 300 đồng đội của ông chưa tìm được hài cốt.

Ngoài tiểu đoàn 16, còn có hai tiểu đoàn khác là 267 và 269, các lực lượng trợ chiến, biệt động Gò Môn, tất cả lực lượng ông Thành ước tính khoảng từ 1.500 - 2.000 người. Và tỉ lệ thương vong của các đơn vị khác đều ở mức như tiểu đoàn 16.

Ông Vũ Chí Thành: “Theo tôi có không dưới 1.000 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận đánh này”

Lý giải của ông Vũ Chí Thành cũng khá sát với tài liệu mà KTS Nguyễn Xuân Thắng thu thập được từ phía Mỹ. Cụ thể, tài liệu đã giải mật của phía Mỹ nêu có khoảng 2.400 quân giải phóng đã đánh vào Tân Sơn Nhất.

Trong đó có sư đoàn 5, tiểu đoàn 10 đặc công, tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 6 địa phương, tiểu đoàn 267, tiểu đoàn 269 và tiểu đoàn 16 quân chủ lực...

KTS Nguyễn Xuân Thắng cũng đặt ra giả thuyết là phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã đem thi thể quân giải phóng hy sinh từ nhiều nơi khác về chôn tại khu vực Tân Sơn Nhất. Vì một số tài liệu mà nhóm của ông thu thập được đã gián tiếp khẳng định việc này.

Đã từng đào hàng chục hố để tìm kiếm

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó ban quản lý sân bay Tân Sơn Nhất từ 1990 đến 2003 - đã tự tìm đến hội thảo. Ông nói ông chính là người đã tiếp nhận thông tin và trực tiếp đào hàng chục hố lớn trên khu vực xây dựng đường băng để tìm hài cốt liệt sĩ.

Nhân chứng Nguyễn Văn Hòa (trái) trò chuyện với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng tại hội thảo

Ông Hòa cho biết, tại thời điểm đó ông được một người nguyên là lính cứu hỏa của Việt Nam Cộng Hòa cho biết đã chôn lấp nhiều thi thể quân giải phóng tại Tân Sơn Nhất sau trận Mậu Thân đợt 1 năm 1968.

Việc chôn cất khá đơn giản, sau khi các thi thể được đưa xuống hố, xe ủi sẽ ủi đất xuống, dùng vòi cứu hỏa phun nước vào để lèn đất cho chặt, và vị trí đó chính là nơi các tấm bằng được đặt lên như tài liệu của Mỹ.

Ông Hòa đã cho nhân công cào đất lên và phát hiện 108 hài cốt liệt sĩ, đây chính là số hài cốt đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM năm 1995.

Đặc biệt là trước khi đường băng sân bay được kéo dài như hiện nay, ông Hòa đã cho dừng công trình 3 tháng để tìm kiếm. Ông đã cho dùng máy cuốc đào 10 hố đất, mỗi hố rộng 2m dài 40m trên khắp khu vực kéo dài đường băng, tuy nhiên chỉ phát hiện đất mịn chứ không thấy hài cốt.

Ông Nguyễn Văn Hòa tin là trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn rất nhiều chiến sĩ quân giải phóng ngã xuống mà chưa được quy tập hài cốt. Tuy nhiên theo ông đã 50 năm rồi, sân bay ngập nước ghê gớm, hài cốt lại không được chôn cất cẩn thận nên việc bị tiêu hủy hoặc trôi lạc là điều cần đặt ra.

“Tôi cho rằng nếu xác định được vị trí nhưng chưa tìm thấy hài cốt thì phải làm bia tưởng niệm trong sân bay”, ông Nguyễn Văn Hòa nói.

Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM: "Sớm đưa các chú, các anh về"

Công binh đã có mặt tại Tân Sơn Nhất để tìm kiếm

14h ngày 6-7, Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp cùng sư đoàn không quân 370, Công ty cổ phần bất động sản CT Land, các nhân chứng và nhiều đơn vị liên quan sẽ tiến hành khảo sát khu vực nghi có hố chôn liệt sĩ tại Tân Sơn Nhất.

Bộ Tư lệnh TP đã cử một tốp công binh, cùng phương tiện máy móc của CT Land, đến để tiến hành thăm dò.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích