Ngày 5/7, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố những hành động gây bất ổn của Triều Tiên đang làm tiêu tan hy vọng về một giải pháp ngoại giao và có thể buộc Mỹ phải sử dụng hành động quân sự.
Cuộc tập trận chung bắn đạn thật của Mỹ - Hàn Quốc ngày 5/7. |
Nhắc tới vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, bà Haley cho biết, trong vài ngày tới, Mỹ sẽ đề xuất một số biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước này.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảnh báo một cuộc “xung đột ” với Triều Tiên có thể xảy ra.
“Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược với chính quyền Triều Tiên đã sụp đổ. Và nói thẳng ra thì sự kiên nhẫn đó đã kết thúc” - Tổng thống Trump.
“Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tự phòng vệ, luôn luôn như vậy và chúng tôi cũng bảo vệ cho các đồng minh”.
Về khả năng can thiệp quân sự vào tình hình ở Triều Tiên, Nga và Trung Quốc đã khẳng định biện pháp quân sự "không phải là lựa chọn" để giải quyết cuộc khủng hoảng ở bán đảo này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 5/7 nói thẳng việc thực hiện quân sự hóa tại Triều Tiên là một quyết định có thể mang tới hậu quả khôn lường.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng: "Mọi âm mưu nhằm biện minh cho giải pháp quân sự, lấy các nghị quyết của HĐBA LHQ là cái cớ, là không thể chấp nhận được, sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường trong khu vực".
Ông nhấn mạnh các nỗ lực nhằm bao vây, hạn chế kinh tế của Triều Tiên cũng không thể chấp nhận được.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, sáng kiến chung của Nga - Trung Quốc về việc giải quyết tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên là một "sáng kiến toàn diện". Theo đó, Triều Tiên ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, đồng thời Mỹ và Hàn Quốc hoãn các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn giữa hai nước.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov cũng loại trừ việc dùng biện pháp quân sự vào Triều Tiên: "Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm Triều Tiên và Hàn Quốc tham gia đối thoại và tham vấn".
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Liu Jieyi phát biểu trong phiên họp khẩn Hội đồng Bảo an ngày 5/7 nhấn mạnh: "Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối hỗn loạn và xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Biện pháp quân sự không phải là một lựa chọn trong vấn đề này".
Dẫu vậy, Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị cả phương án Mỹ tấn công quân sự vào Triều Tiên.
Thành viên Sư đoàn lính nhảy dù số 15 của Trung Quốc. |
Không lâu sau khi Mỹ tuyên bố hết kiên nhẫn với chiến lược về Triều Tiên, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều một đơn vị tinh nhuệ tới khu vực gần biên giới với Triều Tiên.
Ngày 15/6, trang China Military Online (Trung Quốc) đăng hình ảnh các binh sĩ thuộc Sư đoàn lính nhảy dù số 15 tham gia huấn luyện cùng trực thăng tấn công WZ-10 gần Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm.
Sư đoàn lính nhảy dù số 15, từng có kinh nghiệm hoạt động ở Triều Tiên trong thời gian diễn ra chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Sư đoàn này đóng quân tại Xiaogan, tỉnh Hồ Bắc với phần lớn lực lượng được triển khai tại tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam thuộc miền Trung Trung Quốc. Về địa hình, đây là khu vực lý tưởng để lực lượng lính nhảy dù có thể tỏa đi bất cứ địa điểm nào khắp Trung Quốc nhằm bảo vệ nước này nếu chiến tranh xảy ra.
Alexey Pushkov - thành viên Ủy ban quốc phòng Quốc hội Nga cho rằng, Mỹ đang đánh liều tổ chức chiến tranh của mình và ông Donald Trump sẽ là Tổng thống Mỹ tạo nên một Iraq thứ hai ở châu Á.
Coi cuộc tập trận chung với Hàn Quốc bằng tên lửa hôm 5/7 sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) là một động thái gia tăng quân sự từ Mỹ, vị quan chức Nga cho rằng ông Donald Trump đang đi theo vết xe đổ của các cựu Tổng thống Mỹ như George Bush ở Iraq, Barack Obama ở Lybia.
"Mỹ sẽ không hủy bỏ cuộc tập trận quân sự gần bán đảo Triều Tiên. Jr. George Bush đã có Iraq, Obama có Lybia và ông Trump đang chuẩn bị đánh liều nhận chiến tranh của mình tại Bắc Triều Tiên", - ông Pushkov viết trên Twitter cá nhân của mình.
Theo Đất Việt