|
4 ôtô đỗ nhiều giờ trước khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1) ngày 4/7, dù vỉa hè có biển cấm đậu. Khu vực này từng bị Đoàn liên ngành trật tự đô thị của quận 1 xử phạt hàng chục ôtô trong dịp cao điểm 3 tháng trước.
|
Tình trạng tương tự ở vỉa hè trước khách sạn 5 sao đường Trần Hưng Đạo. Các ôtô gập kính, không có tài xế, đậu nhiều giờ và không bị xử lý.
|
Xe biển xanh trên vỉa hè đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình. Đây cũng là nơi trong dịp cao điểm xử lý lấn chiếm lòng lề đường hồi tháng 2-3, quận 1 đã lập biên bản gần chục ôtô đậu trái phép.
|
Trước khách sạn trên đường Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành, 2 chậu cây đặt trên vỉa hè từng bị ông Đoàn Ngọc Hải (Phó chủ tịch quận 1) yêu cầu lực lượng chức năng cẩu đi tối 10/3 nhưng nay lại xuất hiện ngay vị trí cũ. Cạnh đó, chiếc xe sang cũng gập kính, đậu trên vỉa hè nhiều giờ.
|
Ôtô đậu hàng dài dưới lòng đường Nguyễn Công Trứ lúc 12h trưa, đầu tháng 7.
|
Loạt chậu cảnh tái xuất trên vỉa hè đường Võ Văn Kiệt, trước nhà hàng Con Gà Trống - từng bị đoàn liên ngành quận 1 thu giữ nhiều chậu cây lấn chiếm vỉa hè tối 26/2.
|
Vỉa hè đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, được gắn barie ngăn người xe máy chạy lên. Đoàn liên ngành quận 1 từng chốt chặn tại đây, phạt hơn 100 xe máy vi phạm trong 2 giờ.
Ông Nguyên (70 tuổi, cán bộ hưu trí ngụ quận 1) cho biết, vỉa hè trung tâm Sài Gòn thông thoáng được một thời gian, nay rầm rộ tái chiếm như chưa hề có "chiến dịch dẹp vỉa hè".
"Chỉ những công trình lấn chiếm bị đập bỏ trước đây không xây lại. Chứ hàng rong, ôtô đậu lại nhan nhản chiếm vỉa hè. Dân vẫn thấy đội trật tự đô thị của phường đi nhắc nhở nhưng chỉ qua loa, họ đi khỏi là hàng quán lại chiếm dụng như cũ. Phong trào lập lại trật tự đô thị của thành phố mất lửa rồi", ông Nguyên nói.
|
Theo bà Lan Anh (sống trong hẻm đường Nguyễn Công Trứ, quận 1), hai tháng nay cơ quan chức năng ít ra quân xử lý nên vợ chồng bà cũng tranh thủ đẩy xe mì xào, chè ra đường bán. "Biết là không đúng nhưng gia đình tôi trông hết vào đây. Chỉ cần bày bán đồ ăn trưa cho dân văn phòng trong nửa ngày tui có thể kiếm 300.000-400.000 đồng", bà nói.
|
Nhà hàng Biển Dương 3 trên đường Nguyễn Thái Học, chỉ cách trụ sở UBND phường vài trăm mét, nhộn nhịp khách ăn nhậu trên vỉa hè mỗi tối. Cơ sở này từng bị đoàn liên ngành quận 1 xử phạt lỗi lấn chiếm vỉa hè, xả rác...
Một lãnh đạo UBND quận 1 cho biết, các đơn vị vẫn ra quân thường xuyên để xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Hiện có 116/134 tuyến đường thông thoáng, lực lượng chức năng vẫn kiểm tra liên tục để đảm bảo trật tự. Một số tuyến đường bị lấn chiếm như Hoàng Sa, Tôn Đức Thắng, Võ Văn Kiệt, Lý Tự Trọng... tiếp tục được xử lý mạnh.
|
Không chỉ quận 1, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường xuất hiện ở hầu hết các quận huyện của thành phố. Tại kỳ họp HĐND ngày 4/7, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - cho rằng những giải pháp về lập lại vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng bộ giữa nói và làm.
Theo bà Châu, cử tri rất đồng tình với chủ trương này nhưng cách làm thiếu kiên quyết là nguyên nhân khiến vỉa hè bị tái chiếm. "Dư luận nghi ngờ có sự chống lưng, bảo kê việc khai thác, sử dụng vỉa hè, lòng đường", bà nhấn mạnh.
|
Là địa phương đầu tiên tại TP.HCM khởi phát chiến dịch lập lại trật tự đô thị, quận 1 đã cưỡng chế nhiều công trình lớn, cơ quan công quyền; xử phạt hàng loạt ôtô biển xanh, biển đỏ, xe sang... Việc lập lại trật tự vỉa hè sau đó lan tỏa khắp thành phố, các tỉnh thành cả nước.
Sau thời gian lãnh đạo các quận huyện trực tiếp xử lý lấn chiếm vỉa hè, công tác này được giao xuống cấp phường. Tình trạng tái chiếm bắt đầu xảy ra khắp nơi. Mới đây, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết sẽ lập 2 tổ công tác kiểm tra việc tái chiếm. Một tổ do ông trực tiếp nắm, tổ còn lại do ông Đoàn Ngọc Hải phụ trách.
Lực lượng chức năng sẽ tuần tra bất kỳ lúc nào, kể cả nửa đêm để tránh việc người vi phạm chủ động đối phó, nắm được giờ ra quân. Tuy nhiên, 20 ngày sau tuyên bố, quận 1 chưa có động thái quyết liệt nào.
Theo VNE