|
Một phần đất trong khu công nghiệp Bình Minh được tỉnh Vĩnh Long giao cho công ty Hoàng Quân Mekong đầu tư dự án khu nhà ở chuyên gia, khu căn hộ thu nhập thấp. Thế nhưng hàng chục năm qua vẫn còn hoang tàn, cây cối mọc um tùm gây lãng phí quỹ đất |
Cụ thể, ngày 5-7, hàng chục hộ dân ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, đã gửi đơn đến tòa án khởi kiện hành chính UBND tỉnh này và vụ việc trên đang được Chánh án tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Hoàng Đệ tiếp nhận và hướng dẫn trình tự thủ tục thụ lý theo thẩm quyền.
Trong số hộ khởi kiện có ông Huỳnh Văn Sung (sinh năm 1931, ngụ ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa) là hộ có số người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đông nhất với 12 nhân khẩu.
Theo ông Sung, ngày 8-7-2004, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành một quyết định chung số 2016 về việc thu hồi 163,2ha đất tại 2 ấp Mỹ Hưng 2 và ấp Mỹ Lợi (xã Mỹ Hòa) để giao cho Ban quản lý dự án khu công nghiệp xây dựng khu công nghiệp Bình Minh.
Mặc dù là hộ có diện tích 9.116m2 đất bị ảnh hưởng thu hồi theo quyết định trên nhưng ông Sung không được mời họp lấy ý kiến cũng như không nhận được bất cứ thông báo nào về việc thu hồi đất này.
Ông Sung đã nhiều lần khiếu nại các cấp chính quyền đề nghị cung cấp quyết định thu hồi đất của từng hộ cá nhân và bản thân gia đình ông nhưng không được đáp ứng.
Đến tháng 6-2016, đích thân gia đình ông Sung cũng như nhiều hộ dân khác đến UBND xã Mỹ Hòa yêu cầu đưa ra quyết định thu hồi đất.
Lúc này các hộ dân mới được ông Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, trích lục lại và sao y bản chính rồi cung cấp cho mọi người.
Tuy nhiên, quyết định thu hồi này cũng không thể hiện cá nhân từng hộ bị thu hồi đất.
Một chi tiết quan trọng trong vụ khởi kiện hành chính UBND tỉnh Vĩnh Long được ông Sung tiết lộ là vì trong quyết định số 128 do ông Phó chủ tịch tỉnh Trương Văn Sáu (nay là Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long) ký ngày 19-1-2006 giải quyết khiếu nại cho ông "có nhiều vấn đề”.
“Quyết định thu hồi đất ông Trương Văn Sáu viện dẫn căn cứ vào Luật đất đai ngày 26-11-2003. Thế nhưng, khi lấy căn cứ tính giá bồi thường thiệt hại cho người dân thì lại căn cứ theo Nghị định số 22/1998/NĐ.CP đã hết hiệu lực”, ông Sung nói.
Ông Sung cho biết thêm, mặc dù quyết định thu hồi đất nêu rõ để xây dựng khu công nghiệp với vốn 100% nước ngoài nhưng sau khi tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất thì công ty Hoàng Quân Mekong đã phân lô, rao bán đất nền trong khu công nghiệp với giá 1,8 triệu đồng/m2.
Việc này đã bị người dân phản ứng quyết liệt và lập vi bằng kèm chứng cứ khởi kiện.
Tương tự, ông Trần Văn Bé (ngụ cùng ấp Mỹ Hưng 2) cũng cho rằng, từ trước đến nay gia đình ông không hề nhận được quyết định thu hồi đất nào, đồng thời cũng không ký vào bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc thu hồi đất.
Thế nhưng, ngày 21-4 vừa qua UBND Thị xã Bình Minh lại căn cứ vào quyết định thu hồi đất số 2016 của UBND tỉnh Vĩnh Long để ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình đình ông.
Từ những vấn đề nêu trên, đến nay đã có ít nhất 18 người dân ở xã Mỹ Hòa đã đồng loạt đệ đơn khởi kiện hành chính UBND tỉnh Vĩnh Long phải bãi bỏ một phần quyết định thu hồi đất số 2016.
Trong số đó, gia đình ông Huỳnh Văn Sung còn yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền 5,8 tỉ đồng do bị ảnh hưởng bởi việc canh tác vườn cây ăn trái trong suốt 13 năm qua.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Học, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, vụ kiện trên là vụ kiện hành chính liên quan đến các quyết định thu hồi đất và cưỡng chế.
“Ủy ban hay bất cứ người dân nào cũng vậy thôi. Khi tòa quyết định thụ lý xét xử thì chúng tôi sẽ đến tòa. Chúng tôi cũng không thể can thiệp vào chuyện của tòa án được. Quyết định của tòa án là quyết định cuối cùng. Nếu chúng tôi sai thì chúng tôi sẽ không cưỡng chế, còn nếu dân sai thì chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế theo quyết định thu hồi đất trước đó của UBND tỉnh”, ông Học thông tin.
Theo TTO