|
Trụ sở Bộ Công Thương |
Bộ Công Thương vừa có công văn gửi tới Bộ Tài chính báo cáo kết quả thực hiện chế độ tự chủ của các đơn vị quản lý nhà nước.
Văn bản do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký cho biết, tổng số biên chế hành chính năm 2016 của Bộ Công Thương là 1.281 người, trong đó biên chế chờ tuyển là 38 người. Tổng số các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ Công Thương là 14 đơn vị, bao gồm Văn phòng Bộ, Tổng cục Năng lượng, Cục, Hội đồng cạnh tranh.
Tổng kinh phí quản lý nhà nước thực hiện năm 2016 bao gồm cả kinh phí bổ sung các lần trong năm là 396,9 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện chế độ tử chỉ là 158 tỷ đồng, bao gồm: chi phí tiền lương và tiền công hơn 115 tỷ đồng, định mức khoán biên chế 19 triệu đồng/người/năm hơn 24 tỷ đồng, các khoản phụ cấp hơn 24 tỷ đồng…
Khoản kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ hơn 238 tỷ đồng bao gồm chi phí mua sắm, sửa chữa tài sản dùng chuyên môn, chi phí hội nghị quốc tế, hội nghị trong nước...
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kinh phí ngân sách nhà nước cấp nhìn chung năm sau tăng so với năm trước. Kinh phí năm 2016 tăng 5% so với năm 2015 tương ứng với số tiền là gần 22 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với số dự toán 610,1 tỷ đồng.
Kinh phí tăng chủ yếu do tăng kinh phí mua 37 xe ôtô cho lực lượng quản lý thị trường là 42,4 tỷ đồng và kinh phí tạm cấp chuẩn bị APEC 2017 14,2 tỷ đồng, trong khi số giao ngân sách đầu năm đã bao gồm kinh phí bố trí cho tăng lương cơ sở.
"Kinh phí ngân sách cấp chi quản lý hành chính chỉ đáp ứng các nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Công Thương và nhiệm vụ được Chính phủ giao năm 2016. Các đơn vị trực thuộc Bộ phải triệt để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm đến mức tối đa các khoản chi không thật sự cần thiết để tiết giảm kinh phí và hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ Công Thương khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2016 còn nhiều nhiệm vụ phải chi nhưng do khó khăn về kinh phí nên không thể tự bố trí, sắp xếp kinh phí đã được giao như: chi phí phục vụ các đoàn kiểm tra liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại, các đoàn điều tra chống bán phá giá, thanh tra chuyên ngành…
Riêng kinh phí mua sắm và sửa chữa tài sản trong năm, Bộ Công Thương cho biết "được bố trí rất thấp so với nhu cầu".
Đáng lưu ý, kinh phí đặc thù cho thương vụ vào khoảng 811 nghìn USD được phân bố cho 63 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ ở nước ngoài, nên bình quân mỗi Thương vụ được cấp 13.000 USD, trong khi nhiều địa bàn với số kinh phí trên không đủ để tổ chức một sự kiện thương mại.
Về thực hiện chế độ tiết kiệm để tạo nguồn cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho cán bộ công chức, hầu hết các đơn vị quản lý hành chính thuộc Bộ Công Thương không có nguồn thu ngoài việc thu một số khoản phí, lệ phí.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, số thu này thực hiện nộp 100% vào Ngân sách Nhà nước nên số được để lại không đáng kể, không đủ bù đắp các chi phí phục vụ cho công tác thu phí, lệ phí.
“Số kinh phí tiết kiệm được chỉ đủ bù đắp phần tăng lương theo ngạch bậc, tăng lương thường xuyên cho cán bộ công chức”, Bộ Công Thương cho biết.
Tại văn bản này, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận các khoản chi mang tính đặc thù ngành ngoài định mức quy định để “tạo điều kiện giúp cho Bộ Công Thương hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao”.
Theo Dân Trí