Nhức nhối chuyện "sân sau"

Thứ tư, 05/07/2017, 09:30
Thông báo kỷ luật cảnh cáo của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh - phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - khiến người ta không khỏi giật mình.

Ảnh minh họa 

Vì sao công ty “sân sau” của một quan chức cấp tỉnh lại ngang nhiên tồn tại và được “chống lưng” công khai như vậy?

Vì sao một sai phạm có tính hệ thống, kéo dài nhiều năm qua; 
cá nhân bà Thanh sai phạm ở nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau nhưng không được phát hiện kịp thời?

Công ty Cường Hưng của chồng bà là một ví dụ rõ ràng về câu chuyện lợi ích nhóm. Mà vì lợi ích này, một quan chức như bà Thanh đã coi thường cả luật lệ.

Điển hình như chuyện lấy ngân sách nhà nước hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng đường BOT vào mỏ đá Tân Cang nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh Đồng Nai, thường trực HĐND tỉnh; hoặc ký cấp phép cho “sân sau” kinh doanh bến thủy dù không thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Không phải đến bây giờ “sân sau” mới lộ ra, lâu nay người dân và nhất là giới doanh nghiệp làm ăn vẫn râm ran chuyện này nhưng để chỉ mặt, đặt tên cụ thể công ty nào, của ai thật không dễ.

Thực tế, có thể còn nhiều “sân sau” khác khó phát hiện hơn. Bởi “sân sau” núp bóng dưới nhiều hình thức, được ngụy trang nhiều lớp mà quan chức hưởng lợi có khi chỉ góp vốn 
bằng... chính sách.

Ngoài việc được ưu ái từ các quyết sách, chuyện công ty “sân sau” của quan chức còn khiến việc cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp trở thành một cuộc chiến không cân sức mà phần thua luôn thuộc về các doanh nghiệp “mồ côi”.

Điều đó dễ làm nản chí người khởi nghiệp, làm xói mòn niềm tin đối với các doanh nhân chân chính mà chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn hướng đến.

Không chỉ khiến cuộc chơi bất bình đẳng, cậy thế cậy quyền o ép đối thủ, doanh nghiệp cùng ngành nghề, các công ty sân sau còn núp bóng quan chức để bòn rút ngân sách nhà nước bằng nhiều phương cách hết sức tinh vi, mà văn bản bà Thanh ký chỉ đạo UBND TP Biên Hòa xuất ngân sách để hỗ trợ dự án BOT của chồng mình là một minh chứng.

Từ năm 2008, khi bà Thanh làm giám đốc Sở Công thương rồi bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch đã tham gia điều hành công ty của chồng, can dự vào nhiều hoạt động của công ty cho đến khi bà giữ cương vị phó chủ tịch tỉnh rồi phó bí thư tỉnh ủy.

Cơ chế giám sát của địa phương ra sao mà suốt gần mười năm qua không phát hiện “sân sau” hay sai phạm của bà Thanh? Hay có biết, có nghe nhưng cả nể, không dám lên tiếng hoặc vì quyền lợi đan xen chi phối?

Một câu chuyện nhức nhối và gây bức xúc trong dư luận mà nếu được ngăn chặn sớm đã không kéo theo nhiều hệ lụy mang tính hệ thống như vừa qua.

Theo TTO

Các tin cũ hơn