Mỹ phủ nhận nguy cơ
Ngày 4/7, Triều Tiên chính thức thông báo đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào sáng cùng ngày dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời cảnh báo rằng loại tên lửa này có thể tấn công bất cứ đâu trên thế giới.
Đài truyền hình Triều Tiên cho biết tên lửa Hwasong-14 đã đạt độ cao 2.802km và bay xa 933km, đã tấn công trúng mục tiêu trên vùng biển phía Đông sau khi bay 39 phút.
Tên lửa Hwasong của Triều Tiên |
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên đã đạt độ cao trên 2.500 km so với mặt biển, bay được 930 km trước khi rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Giới phân tích cho rằng đây có thể là vụ thử tên lửa thành công nhất của Triều Tiên. Tên lửa này có thể vươn tới vùng Alaska của Mỹ.
Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết đây là tên lửa đạn đạo tầm trung chứ không phải ICBM, và không gây nguy cơ nào đối với khu vực Bắc Mỹ.
Thông báo của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nêu rõ phía Mỹ đang phối hợp với các đối tác để đưa ra những đánh giá chi tiết và sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ những hành động của Triều Tiên.
Đây là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Triều Tiên trong năm nay và là vụ thứ 6 kể từ khi ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/5 vừa qua.
Vụ phóng mới nhất được tiến hành sau khi ông Moon kết thúc chuyến thăm Mỹ, trong đó ông và Tổng thống Donald Trump nhất trí tìm cách dần dần phi hạt nhân hóa Triều Tiên và sẽ nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng sau khi nước này có những bước đi đầu tiên phi hạt nhân hóa.
Đáng chú ý hơn, vụ phóng thử diễn ra đúng dịp Quốc khánh Mỹ và ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức.
Triều Tiên rất biết cách thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Mỹ cho rằng tên lửa Triều Tiên phóng thử ngày 4/7 không có khả năng xuyên lục địa |
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga mạnh mẽ chỉ trích hành động “khiêu khích” của Bình Nhưỡng: “Vụ phóng tên lửa là điều không thể dung thứ, Nhật Bản phản đối và lên án hành vi này của Triều Tiên”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định vụ phóng tên lửa “cho thấy mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng” từ Bình Nhưỡng. Ông nói: “Một lần nữa Triều Tiên lại dấn thêm một bước bằng cách thử tên lửa. Họ hoàn toàn phớt lờ những cảnh báo liên tiếp của cộng đồng quốc tế”.
Phản ứng trước vụ phóng ngày 4/7, ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân: “Thật khó để tin là Hàn Quốc và Nhật Bản có thể chịu đựng điều này thêm được lâu. Trung Quốc cần tỏ thái độ mạnh mẽ với Triều Tiên và chấm dứt những việc làm vô nghĩa như vậy”.
Channel News Asia cho biết người đứng đầu Nhà Trắng trước đó đã thảo luận vấn đề Triều Tiên trong các cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Lãnh đạo hai nước Mỹ-Nhật đã nhất trí tăng cường sức ép đối với Triều Tiên và phối hợp với phía Hàn Quốc.
“Mừng” quốc khánh Mỹ!
Vài giờ trước khi vụ phóng diễn ra, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Lưu Kết Nhất cảnh báo rằng nếu căng thẳng vốn đang ở mức cao với Triều Tiên tiếp tục gia tăng và cộng đồng quốc tế không thể tìm cách kiềm chế ngọn lửa này, mọi chuyện sẽ sớm vượt khỏi tầm kiểm soát và kéo theo hệ lụy khó lường.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Liên hợp quốc ngày 3/7, ông Lưu nói: “Căng thẳng hiện đang ở mức rất cao và chúng ta đều muốn hạ nhiệt nó… Nếu căng thẳng leo thang, tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc”.
Một quân nhân Hàn Quốc xem tin tức về vụ Triều Tiên thử tên lửa ngày 4/7 tại một bến tàu điện ở Seoul |
Trong tháng 7 này, Trung Quốc bắt đầu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Daily Mail dẫn lời ông Lưu Kết Nhất khẳng định Trung Quốc “chưa bao giờ ngừng nỗ lực làm việc tới các bên để thúc đẩy đối thoại và đàm phán nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa và đảm bảo ổn định, cũng như hòa bình trên Bán đảo triều Tiên…
Có quá nhiều rủi ro, bởi vậy đối thoại là điều không thể chậm trễ trước khi tình hình trở nên xấu đi”.
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, HĐBA đã thông qua một nghị quyết trừng phạt đối với Triều Tiên sau khi nước này liên tiếp tiến hành 3 vụ thử tên lửa đạn đạo hồi tháng 5.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn cương quyết phản đối sức ép từ phía cộng đồng quốc tế, khẳng định mình có quyền phát triển công nghệ quốc phòng để bảo vệ chủ quyền và khám phá không gian.
Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim In Ryong nhấn mạnh hồi tuần trước rằng sự đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên trong suốt 50 năm qua ngày càng đẩy hai bên tới bờ vực chiến tranh hạt nhân, nhất là sau khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận quân sự chung mà ông cho là “hung hăng” hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua.
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung |
Sáng 3/7, Bình Nhưỡng đã đăng tải một đoạn băng ghi hình có cảnh ông Kim Jong-un thị sát quân đội tiến hành phá hủy một quả tên lửa hành trình, được cho là Huynmoo-3 trong một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn.
Từ đầu năm đến nay, Triều Tiên liên tục thử tên lửa với nhịp độ chưa từng có, và vụ phóng mới nhất diễn ra ở thời điểm được xem là khá nhạy cảm, không chỉ bởi sau khi Tổng thống Trump đe dọa đơn phương hành động nếu Trung Quốc không phối hợp để gây sức ép với nước láng giềng cứng đầu của mình, mà còn bởi Triều Tiên có tiền lệ phóng tên lửa đạn đạo trùng thời điểm diễn ra các sự kiện ngoại giao quan trọng hoặc trước những cuộc gặp của các nhà lãnh đạo thế giới.
Lãnh đạo các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ nhóm họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 7-8/7 tới để thảo luận về các nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Shea Cotton, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí James Martin (Mỹ) cho rằng vụ phóng ngày 4/7 được lên kế hoạch để diễn ra đúng ngày Quốc khánh Mỹ, và Triều Tiên rõ ràng là muốn “bắn pháo hoa” nhân sự kiện này.
Theo Đất Việt