|
Mới đây cử tri quận Hoàn Kiếm đã lên tiếng trước tình trạng biệt thự công vụ 12 Nguyễn Chế Nghĩa có diện tích hơn 410m2 bị bỏ hoang gần 3 năm nay |
Điều này được ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thừa nhận tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Hà Nội sáng 4-7.
Ông Dục cho biết trước đây, Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất cùng Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thực hiện thống kê nhà biệt thự theo hồ sơ quản lý ký hợp đồng cho thuê, và chỉ tiến hành kiểm tra trên thực địa một số biệt thự.
4 vấn đề tồn tại
Trong thời gian tiến hành thống kê biệt thự trước đây đã không tiến hành kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan đến nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954.
Đặc biệt, quá trình thực hiện không có sự tham gia của 5 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ - những địa bàn có nhiều nhà biệt thự.
Vì vậy, dẫn đến một số sai sót về việc đánh giá xác định biệt thự và địa chỉ biển số nhà.
Theo ông Dục, theo chỉ đạo của HĐND TP năm 2008, Hà Nội đã quyết định thành lập hội đồng thẩm định và 2 tổ công tác liên ngành. Sau rà soát, đối chiếu, 2 tổ công tác liên ngành thống nhất về 4 vấn đề tồn tại.
Thứ nhất, một số biệt thự trong danh mục nhà biệt thự thể hiện là nhà phố, công trình nhà ở có giá trị kiến trúc.
Thứ hai, một số biệt thự đã phá dỡ, xây dựng công trình mới qua các thời kỳ trước đây.
Thứ ba, một số địa chỉ nhà biệt thự không có trên thực tế.
Thứ tư, một số biệt thự nằm ở góc phố mang 2 biển số nhà nhưng trong danh mục nhà biệt thự riêng biệt.
Ông Lê Văn Dục cũng cho biết trong số 123 biệt thự thuộc danh mục bị phá dỡ, 99 biệt thự đã phá dỡ, có hồ sơ chứng minh, đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép phá dỡ, chấp thuận dự án hoặc cấp phép xây dựng.
Còn 24 biệt thự chưa có hồ sơ chứng minh đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép phá dỡ.
Ông Nguyễn Nguyên Quân, trưởng Ban Đô thị HĐND TP, cũng thừa nhận "có nhiều sai sót" trong quá trình rà soát danh mục biệt thự trước đây.
Đó là những sai sót như nhầm địa chỉ, nhầm cả nhà phố, công trình có giá trị kiến trúc khác không phải là biệt thự, để sót biệt thự nằm trong các khuôn viên rộng, biệt thự bị phá dỡ, xây dựng mới...
Ông Quân khẳng định việc phải điều chỉnh lại danh mục là để sửa các sai sót trên và bổ sung biệt thự mới phát hiện và đưa ra khỏi danh mục những biệt thự đã phá, xây dựng công trình khác, không còn là biệt thự.
Ông Quân đề nghị UBND TP xem xét theo hướng quản lý theo quy hoạch đối với 24 biệt thự không có giấy phép xây dựng nêu trên và các ô đất trống sau khi biệt thự bị phá.
Khóa trước làm chưa hết trách nhiệm
Ông Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, phản ứng: “Nếu hôm nay dễ dàng thông qua thì mai mốt tiếp tục có buổi xin rút tiếp các biệt thự bị phá dỡ”.
Ông Nam cho rằng khoá trước lãnh đạo TP, lãnh đạo một số ngành, làm chưa hết trách nhiệm khi để xảy ra việc phá dỡ một số biệt thự trong danh mục.
“Chúng ta nhìn thấy và xót xa khi các biệt thự bị phá. Khoá trước cũng nhiều lần chất vấn, và đến hôm nay chúng ta đã mất 123 biệt thự. Trong đó có khoảng 70 biệt thự đã bị phá dỡ trước thời điểm TP chỉ đạo kiểm tra, còn gần 50 biệt thự bị phá do không quản lý tốt", ông Nguyễn Hoài Nam nói.
"Vì thế, nếu lãnh đạo TP không cam kết thì các đại biểu không yên tâm bấm nút”.
Giải trình sau đó, ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, thừa nhận có chuyện buông lỏng trong quản lý, xây dựng lại các biệt thự.
“Tất cả những sai sót như vậy đã được giao cho Thanh tra TP thanh tra toàn diện, đã kết luận. Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ cũng đã xử lý kỷ luật một số tổ chức. Trách nhiệm chung là của UBND TP, vì thế TP nhận trách nhiệm, cam kết quản lý tốt số biệt thự còn lại sau điều chỉnh ” - ông Hùng khẳng định.
Cuối buổi sáng, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh danh mục biệt thự từ 970 xuống còn 829 biệt thự để quản lý theo nghị quyết năm 2008.
Theo TTO