|
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. |
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, về việc kiểm tra thông tin liên quan kê khai tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Bộ Công Thương đang yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương báo cáo, kiểm tra. Quá trình hình thành và sở hữu khối tài sản hàng trăm tỷ đồng của Thứ trưởng Kim Thoa và người thân cũng như việc có vi phạm pháp luật hay không sẽ được Bộ báo cáo Ban Bí thư, Chính phủ khi có kết quả.
“Ban cán sự Bộ Công Thương sẽ họp về việc này. Bộ Công Thương khẳng định sẽ chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Một đại diện khác của Bộ Công Thương cũng cho hay, sau khi một số cơ quan báo chí nêu thông tin về số tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã đề nghị Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các đơn vị liên quan báo cáo cụ thể.
Trên cơ sở báo cáo của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các đơn vị liên quan, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo gửi tới các cơ quan của Đảng và Chính phủ. “Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan hữu quan để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư”, vị này khẳng định.
|
Nhà máy bóng đèn Điện Quang ở KCN Đồng Nai. |
Truy xuất nguồn gốc cổ phiếu, trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ
Liên quan đến việc làm rõ tài sản của Thứ trưởng Kim Thoa và các thành viên trong gia đình, trao đổi với PV ,Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, cần xét ở cả hai góc độ. Góc độ thứ nhất là khởi nguồn từ khi bà Thoa làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Tài sản khi đó của bà Thoa thế nào. Góc độ thứ hai là sau khi giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, tài sản của các thành viên trong gia đình bà Thoa ra sao và biến động thế nào.
Cụ thể hơn, theo ông Hải, cần xét cả những thời điểm Điện Quang gặp khó khăn và những thời điểm việc gia tăng tài sản, gia tăng nắm giữ cổ phần của bà Thoa và những người thân như thế nào. “Cũng có thể xem sau những đợt công bố thông tin xấu thì tỷ lệ nắm giữ của bà Thoa và các gia đình có tăng lên không”, ông Hải nêu ý kiến.
“Cần làm rõ việc cháu bà Thoa mua cổ phần Điện Quang trong đợt thoái vốn của SCIC và sau đó số cổ phần này lại được bán lại theo giá thỏa thuận cho chính em trai của bà Thoa, người vừa là đại diện vốn nhà nước của SCIC tại Điện Quang và cũng là Chủ tịch, Tổng giám đốc đương nhiệm của Điện Quang tại thời điểm đó”. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính |
Theo đại diện VAFI, với tư cách là lãnh đạo Bộ Công Thương phụ trách khối công nghiệp nhẹ, nhưng dấu ấn trong việc thúc đẩy cổ phần hóa các đơn vị ngành bia rượu, dệt may… thuộc lĩnh vực bà Thoa phụ trách không rõ. Đến mức VAFI từng có văn bản nhiều lần “thúc” việc cổ phần hóa, nhưng cũng không nhận được trả lời. Thời gian về sau này, khi bị “hối thúc” nhiều về việc cổ phần hóa các đơn vị ngành bia rượu thì VAFI nhận được văn bản trả lời rằng phải xin phép Thủ tướng Chính phủ.
“Một thứ trưởng phải thực thi nhiệm vụ của Nhà nước giao. Nếu việc thoái vốn nhanh, đúng thời điểm giá cao sẽ mang lại cho Nhà nước rất nhiều lợi nhuận. Cùng đó là thứ trưởng cũng phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước. Bà Thoa cũng tham gia về quy trình nhân sự bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Vinataba hay Vũ Quang Hải ở Sabeco. Việc xem lại công tác tham mưu bổ nhiệm cán bộ mà bà Thoa tham gia bổ nhiệm nhưng có nhiều điều tiếng thời gian qua cũng là cần thiết”, ông Hải đề xuất.
Theo Tiền Phong