Trong khi đó giá nhiên liệu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt sẽ gây áp lực tăng giá trong phiên điều chỉnh ngày mai.
Những lần điều chỉnh giá xăng từ tháng 5/2016. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối phía Nam, mặc dù tính toán dựa trên giá cơ sở thì giá xăng sẽ tăng trong ngày mai nhưng biên độ ra sao vẫn tùy thuộc vào mức sử dụng quỹ bình ổn.
"Nếu cơ quan quản lý giữ nguyên mức chi sử dụng quỹ bình ổn thì giá xăng sẽ tăng tương ứng với mức lỗ của giá bán lẻ với giá cơ sở”, vị này nhận định.
Doanh nghiệp đầu mối này phân tích thêm, do mức chi quỹ bình ổn đã được cơ quan điều hành nâng lên trong phiên điều chỉnh trước nên cũng khó để nâng lên trong phiên ngày mai.
Thêm vào đó, quỹ bình ổn đang có số dư ở mức thấp nên khả năng giữ nguyên mức chi là khó xảy ra.
"Trong trường hợp quỹ bình ổn không được sử dụng giá xăng sẽ có thể bật tăng lên mức gần 1000 đồng/lít", vị này nhận định.
Trước đó, Bộ Tài chính vừa thông báo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu Quý IV và cả năm 2016. Theo đó, đến hết ngày 31/12/2016, Quỹ BOG có số dư 2.389,9 tỷ đồng, tăng 214,8 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý III/2016 (2.175,134 tỷ đồng), nhưng giảm 1.580,2 tỷ đồng so với thời điểm ngày 1/1/2016 (3.970,1 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trong số 27 doanh nghiệp kinh doanh phân phối xăng dầu có tới 9 doanh nghiệp bị âm quỹ vào ngày 31/12 vừa qua.
Từ đầu năm 2017 đến nay giá xăng vẫn được duy trì ở mức 17.590 đồng. Trong khi các mặt hàng dầu diễn biến giảm trong phiên điều chỉnh gần nhât (3/2). Cụ thể, dầu diesel giảm 25 đồng/lít, xuống mức tối đa 14.022 đồng/lít và dầu hỏa giảm 80 đồng/lít xuống 12.520 đồng/lít, dầu mazut giảm 417 đồng/kg xuống 11.206 đồng/kg
Theo Zing