Tại buổi làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dần đầu vào sáng 17/2, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến việc xác định lại phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) chậm trễ so với chỉ đạo.
Theo vị này, Vinaconex là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành xây dựng thực hiện đề án cổ phần hóa vào năm 2007. Năm 2008, hồ sơ của Vinaconex được bàn giao về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
“Đến nay, việc bàn giao này đã tiến hành được hơn 10 năm, trải qua nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên chức thụ lý hồ sơ, nhiều người nghỉ hữu, hồ sơ quá dài… Vì vậy, quá trình theo dõi, quản lý vấn đề trên tại Vinaconex mờ nhạt dần”, đại diện Bộ nói.
Xác định lại phần vốn nhà nước tại Vinaconex đang bị "vướng" bởi một khu đất. |
Vị này dẫn lại kết luận của Thanh tra Chính phủ rằng việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa còn chưa chính xác đối với khu đất và tài sản tại 47 Điện Biên Phủ, quận 1, TP.HCM. Sau đó, UBND TP.HCM có Quyết định số 5438/QĐ- UBND ngày 4/11/2014 cho phép chuyển sang thuê đất trả tiền một lần nhưng chưa xác định lại khoản chênh lệch giá trị tiền thuê đất với giá trị quyền sử dụng khu đất đã tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
“Đây chính là vấn đề mấu chốt làm ảnh hưởng đến tiến độ xác định phần vốn nhà nước tại Vinaconex. Bộ Xây dựng tuy được giao chủ trì nhưng lại phải đợi báo cáo từ Vinaconex và SCIC (thuộc Bộ Tài Chính). Sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ chủ trì và phối hợp với các bên liên quan và báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2017”, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
“Khi còn khỏe phải cổ phần hóa càng nhanh càng tốt”
Đó là quan điểm của ông Mai Tiến Dũng khi nói về việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Tại Bộ Xây dựng, trong số 12 tổng công ty được Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa, sau khi IPO mới chỉ có 3 tổng công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. 4 doanh nghiệp còn lại đang thực hiện cổ phần hóa.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã thực hiện thoái vốn 77/170 danh mục cần thực hiện. Tổng số vốn Nhà nước thoái bớt và bán cổ phần là 4.124 tỷ đồng trên tổng số vốn nhà nước tại các Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng là 35.000 tỷ đồng, chiếm 11,78% vốn nhà nước.
“Như vậy, số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán còn thấp, đề nghị Bộ có báo cáo, giải trình thêm và tiếp tục chỉ đạo việc niêm yết, thúc đẩy cổ phần hóa 4 doanh nghiệp còn lại trong năm 2017”, ông Dũng phát biểu.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng thời gian qua Bộ tập trung chủ yếu vào tái cơ cấu doanh nghiệp gắn với cổ phần hóa, tạo ra một doanh nghiệp Việt Nam mạnh.
“Cổ phần hóa chỉ là một biện pháp thực hiện đa dạng vốn chứ không phải thoái vốn Nhà nước bằng mọi giá. Chúng tôi đặt ra 3 mục tiêu: Bảo đảm phát triển của doanh nghiệp, tối đa hóa lợi ích của nhà nước khi cổ phần hóa, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hóa”, ông nói.
Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tiền thân là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài, được thành lập ngày 27/09/1988. Ngày 5/9/2008 Cổ phiếu Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Lĩnh vực kinh doanh chính: xây lắp công trình; kinh doanh bất động sản; tư vấn thiết kế và sản xuất công nghiệp.
Hiện nay, VINACONEX có trên 40 đơn vị đầu mối trực thuộc, tham gia vào 5 công ty liên doanh và 14 công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên khắp mọi miền của đất nước. Đội ngũ cán bộ công nhân viên của VINACONEX lên tới hơn 40.000 người gồm nhiều cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân viên đã được đào tạo và làm việc tại nước ngoài, có kiến thức chuyên sâu và giàu kinh nghiệm.
Theo Zing