Người Việt lướt Facebook đang 'phải' xem clip rùng rợn: Có thể kiện Mark Zuckerberg?

Thứ tư, 05/07/2017, 13:46
Theo các chuyên gia Việt Nam, người dùng Facebook cần thường xuyên theo dõi các clip tích cực như người tốt, việc tốt, ngưng tò mò, ngưng theo dõi các clip đâm chém nhau, tai nạn kinh hoàng để tập tư duy tích cực.

Ảnh cắt từ clip một vụ đánh ghen được truyền trên Facebook

Hiện nay người dùng Facebook thường xuyên gặp phải những hình ảnh, thông tin về các vụ cướp giật, tai nạn giao thông, đâm chém nhau đổ máu,… cũng như các clip nhạy cảm khiến nhiều người bị ám ảnh và luôn cảm thấy bất an.

Cụ thể những hình ảnh này đã tác động đến chúng ta như thế nào?

Bạo lực học đường
Thạc sĩ (ThS) tâm lý Đặng Hoàng An, Giảng viên trường Đại học sư phạm TP.HCM cho biết ở lứa tuổi nhận thức, kinh nghiệm sống còn hạn chế, dễ bắt chước, các em học sinh tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực, độc hại thì ít nhiều sẽ bị tiêm nhiễm bởi cách hành xử bạo lực.
Trong một số tình huống, khi bị người khác kích động các em dễ dàng hướng đến cách dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Đây là một trong những nguyên nhân làm nên bạo lực học đường. Nếu không được ngăn chặn thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hành vi, nhân cách sống của các em.
Luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cũng cho rằng nhiều học sinh đã được cha mẹ mua cho smartphone để liên lạc và trong số đó nhiều em có sử dụng Facebook. Mạng xã hội này hiện cũng có nhiều hình ảnh không phù hợp với độ tuổi của các em, khi nhìn thấy những hình ảnh như vậy ít nhiều cũng tác động tới nhận thức và nhiều lần thì có thể hình thành nên hành vi của các em.
"Nhiều vụ việc liên quan đến trẻ em mà tôi từng tham gia, tôi có hỏi các em là em mới 11, 12 tuổi thôi vì sao biết mà làm như vậy thì các em trả lời là do em coi trên mạng, trên Facebook thấy nên em làm theo", LS Nữ ví dụ.
Những hình ảnh phản cảm bị phát tán trên Facebook
ThS tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt thì nhận định: “Đặc biệt lứa tuổi học sinh, sinh viên sẽ dễ bị tác động hơn do sự phát triển tâm lý chưa hoàn chỉnh, trải nghiệm và kỹ năng phòng vệ chưa cao, các bạn dễ lo sợ, ám ảnh hơn và mất đi niềm tin của mình vào nhà trường, xã hội và từ đó sự phát triển tâm lý trở nên sai lệch, không toàn vẹn. Có thể ám ảnh dai dẳng đến khi trưởng thành hoặc phản ứng quá nhạy cảm trước một tình huống nào đó”.
Nhiều người làm theo như một giải pháp
Theo ThS tâm lý Đặng Hoàng An, ở người trẻ tuổi (18 - 35 tuổi) khi có mâu thuẫn dễ xuất hiện hành vi gây hấn, hành xử hung tính và thường sử dụng sức mạnh cơ bắp để bảo vệ chính kiến của mình. Những hình ảnh như đâm chém, đánh ghen, nhảy cầu, rạch tay tự sát khiến một số nam nữ thanh niên làm theo như một giải pháp khi gặp mâu thuẫn hay bế tắc trong cuộc sống.
Còn ở nhóm trên 35 tuổi hầu hết mọi người có gia đình và công việc ổn định. Khi mâu thuẫn gia đình phát sinh, dần đi vào bế tắc thì những hình ảnh bạo lực bộc phát. Các hành vi hung tính, bạo lực được đưa vào giải quyết mâu thuẫn gia đình (bạo lực gia đình).
Bị tra tấn thị giác
Những hình ảnh, clip sex được phát, đăng tải trên các nhóm đã tác động không nhỏ đến người dùng Facebook. Cụ thể: những hình ảnh phản cảm trên khiến chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc là bị tra tấn thị giác hoặc là bị cuốn hút, thậm chí nghiện với những hình ảnh gợi cảm.
Những nạn nhân còn bị bạo lực tinh thần trước các bình luận, chia sẻ vô cảm, độc ác, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí ảnh hưởng đến gia đình và người thân.
ThS Đào Lê Hòa An nhận định: sự lặp đi lặp lại bất kỳ một yếu tố nào đó cũng làm hằn sâu vào não và ảnh hưởng đến cách nhận định, đánh giá của mỗi chúng ta.
Hình ảnh nam thanh niên bị chém đứt lìa bàn tay tại Gò Vấp
Các clip bạo lực, dã man, hay còn gọi chung là các clip tiêu cực mà chúng ta bắt gặp mỗi ngày trên Facebook sẽ khiến chúng ta dè chừng hơn khi đi ra đường, luôn cảm thấy lo lắng, cảm giác như đang có chuyện gì không hay sắp xảy ra. Thậm chí, đôi khi chúng ta còn đi vào giấc mơ hoặc tưởng tượng mình chính là nạn nhân của những sự kiện đó.
Nặng hơn, nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe như: tim đập nhanh, mất ngủ, ảo giác,…
ThS Đặng Hoàng An nêu quan điểm: "Những hình ảnh bạo lực, kinh dị, phản cảm nếu lâu ngày “thấm” vào tâm trí của con người sẽ có nguy cơ bộc phát, biến đổi thành hành động. Bởi mỗi lần tiếp xúc với những hình ảnh đó sẽ để lại dấu vết trên não. Lâu ngày những hình tượng ấy hình thành “lối mòn”, gặp trường hợp tương tự thì nó sẽ bộc phát ra ngoài một cách vô thức, như một thói quen. Thời gian tác động càng lâu thì mức độ ảnh hưởng càng lớn".

Hình ảnh bạo lực ở các lễ hội
Hãy sử dụng Facebook thông minh
ThS Đào Lê Hòa An cho rằng thực chất việc chúng ta thấy những hình ảnh, sự kiện đó nếu nhìn ở góc độ tích cực sẽ thấy nó phản ánh chân thực cuộc sống xung quanh chúng ta và chúng ta xem để biết, đưa ra các phương án phòng vệ thích hợp cho bản thân và người thân của mình.
Nếu không biết những thông tin, chứng kiến những trường hợp bị cướp giật, chúng ta sẽ nghĩ ở ngoài đường rất an toàn và lại hớ hênh. Tuy nhiên khi tự đánh giá lại, cảm thấy bản thân quá nhạy cảm và dễ bị ám ảnh trước những hình ảnh đó, bạn có thể thử các cách sau:
1. Ngưng sự tò mò, lướt qua nhanh hoặc không xem những đoạn clip đi kèm. Bên cạnh đó bạn cũng có thể thiết lập Facebook cá nhân của mình ở chế độ “không phát trước video”, xóa, hạn chế các trang cá nhân, các nhóm, các trang thông tin thường xuyên đăng tải các hình ảnh đó.
2. Tăng cường xem các clip, hình ảnh tích cực (giúp đỡ, lòng nhân ái, lòng tốt,…) trong cuộc sống để lấy lại niềm tin cho bản thân.
Hình ảnh người trộm chó bị đánh và trói lại cũng được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội
3. Tập tư duy tích cực: trong xã hội luôn có người tốt và người xấu, thực chất những đoạn clip dã man, nhạy cảm ấy dễ hút “like, share”, sự tò mò nên mới xuất hiện nhiều như vậy. Đôi khi thông tin đó cũng chỉ là sản phẩm đã được cắt ghép, chỉnh sửa, chưa được kiểm duyệt.
4. Đăng ký các lớp học kỹ năng thoát hiểm, võ tự vệ,… để tăng sự tự tin và chủ động phòng tránh rủi ro cho bản thân.
5. Hạn chế thời gian truy cập facebook, các báo lá cải,… và tập trung vào việc xây dựng cuộc sống thật của mình.
Bên cạnh đó, ThS Đặng Hoàng An cũng đưa ra lời khuyên những người dùng Facebook cần tỉnh táo, thông minh, học cách chọn lọc thông tin, hình ảnh một cách tích cực, cân nhắc khi đưa thông tin lên mạng, biết phản bác điều sai trái, cái xấu, làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần siết chặt sự quản lý đối với các trang mạng xã hội; gia đình, nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đồng thời chỉ dẫn các em biết cách ứng xử trước những thông tin độc hại, cảnh báo về những nguy cơ của việc sử dụng mạng xã hội; xã hội nên tăng cường tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trong môi trường mạng.
Có thể kiện ông chủ Facebook?
LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng bất kỳ một hình ảnh nào đưa lên Facebook cũng đều có tính hai mặt của nó.
Ví dụ những hình ảnh đâm chém, chết chóc thì hiệu ức tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Có người thấy hình ảnh đó dẫn tới hoảng sợ, ám ảnh nhưng cũng có người thấy thế để cảnh giác đề phòng.
Ngoài ra cũng cần phải thấy thực tế có nhiều vụ như clip tai nạn giao thông, trộm cắp, đâm chém...được các cơ quan điều tra phá án từ những nội dung hình ảnh này.
Theo LS Quynh, chúng ta không thể kiện được Mark Zuckerberg vì ông đang ở Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiện được người chủ tài khoản đăng ký tham gia mạng xã hội khi đưa hình ảnh phản cảm, chết chóc... xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Bên cạnh đó, Facebook cũng có quy định khi người chơi tham gia phải tuân thủ các quy định về quyền sử dụng, không đưa những hình ảnh phản cảm... nếu vi phạm sẽ bị cảnh báo và xóa tài khoản.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn