Chưa có kết quả kiểm tra bà Quỳnh Anh: Sao chậm trễ?

Thứ năm, 06/07/2017, 09:47
Sau lời hứa 3 tháng, nếu chưa có kết quả kiểm tra bổ nhiệm bà Quỳnh Anh, Ủy ban Kiểm tra Thanh Hóa cần lên tiếng giải thích rõ nguyên nhân.

Cần giải thích rõ

Tính đến thời điểm này, sau thời hạn 3 tháng, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Thanh Hoá vẫn chưa có báo cáo về việc việc kiểm tra quy trình bổ nhiệm đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm không quy định thời gian. Việc này tùy thuộc vào từng nội dung, tính chất mức độ vi phạm mà thời gian kiểm tra có thể thời gian dài hay ngắn.

Ông Hùng khẳng định, Luật không quy định cứng nhắc là 3 tháng nhưng làm bất cứ việc gì cũng cần có kế hoạch cụ thể.

"Thanh Hóa đưa ra thời hạn 3 tháng nhưng đến nay chưa công bố thì cần phải trả lời rõ vì sao chậm trễ.

Công việc của người kiểm tra bấy lâu nay là công minh, chính xác, kịp thời. Do đó phải đối chiếu với các quy định của thanh tra, kiểm tra. Tất cả những việc này đều có quy định cả”, ông Hùng nêu quan điểm.

Sau lời hứa 3 tháng, nếu chưa có kết quả kiểm tra bổ nhiệm bà Quỳnh Anh, Ủy ban Kiểm tra Thanh Hóa cần lên tiếng giải thích rõ nguyên nhân.

Theo ông Hùng, về nguyên tắc có những vụ việc sau khi kiểm tra,Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa có thể công bố thông tin nội bộ. Tuy nhiên với vụ việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh được dư luận quan tâm thì địa phương phải có những hình thức thông tin rõ ràng, kịp thời.

Ông Hùng nhấn mạnh, dù bất cứ lý do gì thì phía Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng phải công bố rõ ràng và có lịch hẹn trả lời.

“Thực tế các cơ quan kiểm tra, thanh tra đầu việc rất nhiều. Có thể do dàn trải quá nên họ chưa xác minh xong. Hoặc cũng có thể đã kiểm tra xong nhưng chưa họp lại với nhau để ra kết luận được. Trường hợp khác nữa là những thành viên trong đoàn kiểm tra bị đau ốm, bất khả kháng không thể thay thế được. Tuy nhiên dù lý do gì cũng cần công khai nguyên nhân để người dân hiểu”, ông Hùng nói thêm.

Trung ương nên vào cuộc

Trong khi đó bà Lê Thị Thu Ba, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội khẳng định, cá nhân bà không quá bất ngờ trước việc Thanh Hóa kéo dài thời gian kiểm tra quy trình bổ nhiệm đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

Theo bà Thu Ba, về nguyên tắc quản lý cán bộ thì việc Thanh Hóa tiến hành kiểm tra trường hợp bổ nhiệm thần tốc và khối tài sản lớn được nghi là của bà Quỳnh Anh là đúng trình tự pháp luật.

Tuy nhiên thời gian vừa qua, dư luận đặt dấu hỏi về việc bà này có những mối quan hệ đặc biệt.

“Liệu rằng Thanh Hóa làm có thật sự công tâm và khách quan hay không? Tỉnh có dám động chạm vào những vấn đề mà dư luận nghi ngại và quan tâm không? Có thể việc chậm trễ trên cũng xuất phát từ những vấn đề trên”, bà Thu Ba nhận định.

Để giải quyết việc này, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ vào cuộc phối hợp với Thanh Hóa để làm rõ.

“Thanh Hóa đã hứa thì cần phải trả lời rõ ràng. Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng cần xem xét để có ý kiến về việc vào cuộc kiểm tra.

Mong muốn của nhân dân hiện nay đó là tất cả những vụ việc ở cả Trung ương và địa phương nếu có vi phạm thì phải làm đến nơi, đến chốn đừng”, bà Thu Ba nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, ông Vũ Quốc Hùng cho biết,  Ủy viên Kiểm tra Trung ương không đi vào kiểm tra một chi bộ, một Đảng bộ cụ thể mà sẽ quan tâm đến các đối tượng như: Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tuy nhiên nếu thấy vụ việc có dấu hiệu bị bưng bít, nể nang, bao che, né tránh thì cần phải phê phán và vào cuộc để xử lý nhằm công khai, minh bạch thông tin”, ông Hùng khẳng định thêm.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn