|
Hẻm 206 đường Trần Hưng Đạo B, quận 5 được biết đến với tên gọi hẻm Hào Sĩ Phường. |
Hẻm 206 đường Trần Hưng Đạo B (quận 5, TP.HCM) còn được biết đến với tên gọi hẻm Hào Sĩ Phường.
Hẻm nằm ở khu Chợ Lớn, ban đầu chỉ toàn người gốc Hoa sinh sống, dần dần một số người chuyển đi, bán lại căn hộ cho người Việt nên đời sống của người dân trong hẻm cũng phong phú hơn nhưng vẫn giữ những nét cổ kính của riêng mình.
Theo những người dân ở đây, tên gọi hẻm Hào Sĩ Phường có nhiều cách lý giải. Người thì nói hào là hào hiệp, sĩ là văn sĩ và phường là phường buôn bán, cũng có người nói hẻm này của những người Tiều làm công cho ông chủ hãng có tên Hào Sĩ, chữ Phường không phải mang nghĩa đơn vị hành chính phường, quận như bây giờ, mà là một nhóm người làm công cho chủ, hay gọi là phường sản xuất.
Con hẻm là mặt sau của hai chung cư Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo. Đây được mệnh danh là con hẻm có kiến trúc độc đáo nhất Sài Gòn dù đã tồn tại hơn 1 thế kỷ. Các song sắt dọc lan can được sơn màu xanh cobalt dịu mát kết hợp với phần mái uốn lượn mềm mại tạo nên khung cảnh thanh bình.
Màu ban đầu của các bức tường chung cư ở đây là màu vàng. Theo thời gian những mảng tường bị bong tróc nên các hộ dân tự sơn lại. Một số nhà sơn giống màu ban đầu để gợi nhớ khung cảnh xưa cũ. Dấu vết của thời gian vẫn còn hằn trên các bức tường bong nhiều lớp sơn. Lối kiến trúc của khu hẻm cũng mang đậm phong cách của người Hoa.
Một số nhà đã sơn lại bằng những màu sắc nổi bật nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu. Những màu sắc này kết hợp với màu vàng ban đầu và màu xanh của các song sắt tạo nên một vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại.
Ông Hoa Trọng Tôn (68 tuổi, áo xanh) và cụ bà Diệp Liên (98 tuổi), người cao tuổi nhất trong hẻm chiều đến lại xách ghế ra hẻm ngồi nói chuyện với nhau. Ông Tôn cho biết: ngày trước ở đây toàn người Hoa, nay có thêm người Việt nhưng đa phần người dân trong hẻm vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa. "Nay chiều chỉ có mấy người già ra ngồi chứ cách đây mấy chục năm chiều nào cả xóm cũng ra ngồi nói chuyện rôm rả, vui lắm!", ông Tôn chia sẻ.
Trước mỗi nhà người gốc Hoa đều có hai bàn thờ. Theo những người dân ở đây, hai bàn thờ là để thờ Thiên và Thổ địa, còn miếng giấy đỏ in màu vàng bắt mắt ở trước cửa và trong nhà là để mang lại sự may mắn và bình an.
Cụ bà Diệp Liên là người sống lâu năm nhất ở hẻm, năm nay cụ đã 98 tuổi, không nói được tiếng Việt. Niềm vui hàng ngày của cụ Liên là ngồi trong hẻm hàn huyên, hóng mát và hỏi chuyện mọi người. Đây là con hẻm cụt nên những nhà trong hẻm ai cũng biết nhau, sống hòa thuận và giúp đỡ nhau lúc khó khăn.
Những căn nhà ở đây có ô cửa sổ khá lớn để thoáng mát, hẻm có 2 lối cầu thang để lên lầu. Trên lầu 1 có một đoạn bắc ngang hai bên được người dân tận dụng để phơi đồ, đây cũng là nơi nhiều trẻ em ngồi vui chơi, học bài hoặc người lớn ngồi hóng mát.
Buổi chiều, con hẻm Hào Sĩ Phường cũng nhộn nhịp hơn bởi tiếng rao của những người bán hàng .
Hẻm Hào Sĩ Phường có khá nhiều cây xanh nên không gian thoáng mát. Người dân cho biết, khu này đang trong diện chờ giải tỏa vì chung cư xuống cấp. Khi giải tỏa người dân sẽ tạm cư ở Thuận Kiều Plaza cũ và một số khu ở quận 8,
Theo Thanh Niên