Theo các quan chức Hoa Kỳ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ gia tăng sự hiện diện tại Libya. Ngoài ra Nhà Trắng còn có ý định bổ nhiệm một đại sứ Hoa Kỳ mới.
Bên cạnh những hoạt động quân sự nhằm mục đích hỗ trợ cho "chính phủ thống nhất" ở Tripoli, giới chức Mỹ cũng tiết lộ rằng, nhiều khả năng quân đội Hoa Kỳ sẽ được triển khai tại Benghazi. Khu vực này hiện đang dưới sự kiểm soát của phe đối lập.
Cựu Tổng thống Obama đã quyết định đưa đưa quân đội Mỹ tới Libya đánh ISIS với mong muốn, chiến thắng của chính phủ trước lực lượng khủng bố sẽ mang lại cho họ lợi thế lớn hơn so với chính phủ đối lập.
Cuộc chiến tại Libya |
Tuy nhiên, điều này đã không thể thực hiện được khi mà phía Đông Libya chủ yếu là do Quốc hội Tobruk và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) thống trị. Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng, chính quyền của ông Trump hài lòng với việc gia tăng hiện diện của họ ở Somalia và đang tìm cách để lặp lại điều tương tự ở Libya.
Việc Mỹ đẩy mạnh can thiệp vào Libya cho thấy, Washington đã hết kiên nhẫn và không thể ngồi im nhìn phe thân Nga trung thành với tướng Khalifa Haftar tung hoành Libya.
Trong khi đó, chính phủ Libya tại Tripoli đang kiểm soát miền Tây Libya được phương Tây chống lưng lại đang phải chịu sức ép rất lớn từ phe đối lập. Rất nhiều phần đất tại trung và nam Libya đã bị rơi vào tay LNA.
Kịch bản đối đầu Nga-Mỹ
Theo The Guardian, Quân đội Quốc gia Libya trung thành với tướng Khalifa Haftar là lực đang kiểm soát phần lớn phía đông Libya, bao gồm hầu hết các khu vực sản xuất và xuất khẩu dầu thô - xương sống của nền kinh tế Libya hiện nay.
Nhờ được LNA đảm bảo an ninh cho các giếng dầu và hoạt động khai thác, sản lượng khai thác dầu thô của Libya đã nhanh chóng được hồi phục, tăng từ 200.000 thùng/ngày hồi tháng 9/2016 lên đến gần 700.000 thùng/ngày vào tháng 4/2017.
Ngày 10/7 vừa qua đã đánh dấu một sự kiện quan trọng khi mà Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC), Mustafa Sanalla cho biết, Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã bắt đầu khai thác dầu thô tại Libya.
Mặc dù Nga chưa chính thức hiện diện tại Lybia, song quốc hội Tobruk đã ngỏ lời về sự giúp đỡ trực tiếp của Moscow tại đất nước này. Nếu nhìn nhận một cách toàn diện, không phải tự nhiên mà LNA có thể giành được ưu thế trước quân khủng bố và phe đối lập nếu không có dấu tay của người Nga.
Không phải vì Nga không muốn can thiệp trực tiếp vào Libya, nhưng chiến trường tại Syria đang bước vào giai đoạn nước rút, đó mới là điều mà Moscow quan tâm hơn cả. Thế nhưng, một khi Lầu Năm Góc gia tăng sự hiện diện của mình tại Libya đồng thời đe dọa trực tiếp đến LNA thì Nga vẫn sẽ xuất hiện.
Trong trường hợp này, cuộc đối đầu Nga-Mỹ tại Libya lại được hình thành trong khi cuộc chiến tại Syria vẫn chưa đi đến hồi kết. Khi đó, tình hình tại Libya được dự báo sẽ vô cùng rối ren.
Bên cạnh việc đối đầu giữa hai phe thân Nga và thân Mỹ, thì IS khi bị đánh tứ tán khắp mọi nơi, một phần trong số đó sẽ tràn sang Lybia, điều này góp phần khiến tình hình trở nên vô cùng tồi tệ. Một tương lai u tối đang dần hiện ra trước mắt người dân Libya.
Theo Đất Việt