Trung Quốc xuất khẩu ô nhiễm: Bàn tay tiếp sức

Thứ năm, 13/07/2017, 10:10
Các doanh nghiệp Trung Quốc được Chính phủ hỗ trợ về vốn, tăng cạnh tranh trong đấu thầu... khi xuất khẩu công nghệ nhiệt điện than.

Chính phủ đứng sau hỗ trợ

Xung quanh việc các tập đoàn Trung Quốc đang xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, theo chuyên gia, chiến lược xuất khẩu ô nhiễm này có sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), trong năm 2016, Ban Quản lý Năng lượng Quốc gia và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc đã ban hành một loạt quy định hạn chế mở rộng công suất điện than tại quốc gia này.

Ô nhiễm không khí khiến Trung Quốc ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trong nước

Tháng 1/2017, nước này đã tuyên bố đóng cửa 103 nhà máy điện than đang trong quá trình xây dựng và quy hoạch. Mối quan ngại về ô nhiễm môi trường ngày một tăng cao, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo là lý do quốc gia này cắt giảm nhiệt điện than trong nước.

Các công ty sản xuất thiết bị và xây dựng nhà máy nhiệt điện than Trung Quốc tìm cách xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài như một giải pháp cho vấn đề công ăn việc làm và tiếp tục phát triển.

"Do phần lớn những công ty này là công ty nhà nước, khó khăn của những công ty này được chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm tìm cách tháo gỡ.

Cấp vốn vay cho các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than ở nước ngoài thông qua ngân hàng Xuất nhập nhẩu và các ngân hàng thương mại Trung Quốc là một trong những cách Trung Quốc tạo thị trường cho các công ty trong nước.

Cùng với việc cấp vốn vay để mở đường cho các công ty EPC Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang các nước, chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ những công ty này tăng sức cạnh tranh trong đấu thầu các dự án.

Bên cạnh những lợi thế về nguồn thiết bị và nhân công giá rẻ, các công ty EPC còn được tiếp cận khoản vay lãi suất thấp từ các ngân hàng chính sách Trung Quốc và được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế", bà Ngụy Thị Khanh phân tích.

Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh còn lưu ý, việc xuất khẩu các thiết bị nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc còn gắn với hoạt động xây dựng các cơ sở hạ tầng đi kèm như cầu cảng, nhằm phục vụ mục đích xuất nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên.

Trong khi Trung Quốc tìm cách xuất khẩu công nghệ nhiệt điện than lạc hậu, ô nhiễm thì theo Quy hoạch Điện VII, phát triển nhiệt điện than vẫn là bước đi không thể thiếu của Việt Nam.

Từ nhiều năm trước, đa số các công trình nhiệt điện của Việt Nam đều do phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC.

Lý giải việc Việt Nam đã có nhiều "trái đắng" từ công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm của Trung Quốc nhưng vẫn không thể tránh được, bà Ngụy Thị Khanh cho hay, thông thường các khoản vốn thường đi kèm với điều kiện về sử dụng công nghệ của nước cấp vốn và khi nguồn vốn được vay từ các tổ chức tín dụng Trung Quốc thì nhà thầu sẽ là nhà thầu Trung Quốc.

"Thực tế cho thấy, so sánh về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của các tổ chức tài chính quốc tế thì các tổ chức tín dụng của Trung Quốc được đánh giá thấp về chuẩn mực này và khi thực thi thì cũng là một khoảng trống nữa so với chính sách.

Có lẽ vấn đề tồn tại này những bên có liên quan trực tiếp hiểu rõ nhất và chỉ họ mới trả lời rõ ràng được.

Còn qua quan sát thì nhiều người cho rằng vấn đề này do nhiều yếu tố ảnh hưởng trong đó có vấn đề quy trình và thủ tục đấu thầu chọn giá rẻ.

Vì vậy khi vay tiền từ Trung Quốc thì chúng ta biết trước sẽ nếm trái đắng, nhưng tại sao thì chỉ có những người làm mới trả lời rõ ràng được", bà Khanh nói.

Trả giá

Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh thông tin, theo Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, vào năm 2030 Việt Nam phải nhập 85 triệu tấn than hàng năm để dùng cho điện, chiếm 2/3 tổng số là 130 triệu tấn.

Hiện nay mới chỉ có khoảng 13.000 MW điện than đang chạy, mỗi năm thải ra khoảng hơn 15 triệu tấn tro xỉ chưa xử lý được.

Bà Ngụy Thị Khanh chỉ rõ, điện than gây ra ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, gây tổn hại sức khỏe, mất sinh kế của người dân xung quanh như đã xảy ra ở nhiều dự án nhiệt điện than.

Đến năm 2030 công suất điện than sẽ tăng lên 55.000MW, gấp hơn 4 lần hiện nay thì những tác động đến môi trường và xã hội sẽ tăng lên đáng kể so với hiện nay và điều gì xảy ra chắc ai cũng dự đoán được.

"Nếu không có sự điều chỉnh lại quy hoạch phát triển điện theo xu thế mới của thời đại là chuyển mạnh sang năng lượng mặt trời, gió… thì cả xã hội, chính phủ và người dân sẽ phải dành nhiều công sức cho việc đối mặt và xử lý chất thải, tác động của nhiệt điện than trong vòng từ 30-50 năm theo vòng đời dự án nhiệt điện.

Như vậy thì ưu tiên và nguồn lực dành cho sáng tạo, phát triển công nghệ xanh, kinh tế xanh sẽ bị giới hạn và đất nước chúng ta sẽ bị lỡ nhịp với cuộc cách mạng công nghệ năng lượng trong thời đại 4.0", bà Khanh cảnh báo.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích