Mưa dài gần một tháng ở vùng núi phía Bắc

Thứ tư, 19/07/2017, 10:25
Chính người dân địa phương cũng quá bất ngờ với đợt mưa dài ngày tới mức “thối đất, thối cát” bất thường này.

Nước chảy như thủy điện xả lũ tại Sa Pa sáng 17-7

Suốt từ ngày 26-6 đến 19-7-2017, các tỉnh, thành vùng núi phía Bắc ghi nhận một đợt mưa kéo dài. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, mưa dài là do tác động của rãnh áp thấp và vùng hội tụ gió trên cao đồng xuất hiện.

Đặc biệt, các ngày 16 và 17-7, khu vực này chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và  hậu bão, tạo thành một “tổ hợp” thời tiết rất xấu, khiến hầu hết các tỉnh vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên xuất hiện đợt mưa trên diện rộng và kéo dài.

Trong đó có nhiều ngày rải rác mưa to đến rất to, có địa phương ghi nhận những trận mưa đặc biệt lớn (trên 200mm/ngày).

Mưa lớn dầm dề đã gây ra 3 đợt lũ trên toàn bộ hệ thống sông ngòi các tỉnh thành trên. Biên độ lũ phổ biến từ 2,5-3,5m; có sông suối đạt mức 4,5-5,5m. Sông Hồng (Thao) tại Yên Bái lũ lớn lên trên báo động 3.

Ngoài ra, mưa kéo dài nhiều ngày cũng sinh lũ quét, trượt lở đất đá, làm chết và bị thương hàng chục người, làm ngập lụt sâu hai bên ven sông và nhiều khu vực. Thiệt hại về nhà cửa, tài sản, lúa, hoa màu, cây trồng, công trình thủy lợi, đường giao thông cũng lớn.

Dự báo đợt mưa này còn có khả năng kéo dài đến hết ngày 22-7.

Đối chiếu chuỗi số liệu đã thu thập trong 61 năm qua, ngành khí tượng thủy văn ghi nhận đây là một đợt mưa kéo dài dị thường.

Lý giải về diễn biến hiếm gặp này của thời tiết, các chuyên gia khí tượng đều cho rằng chính sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây ra hiện tượng trên. Biến đổi khí hậu khiến sự tuần hoàn của khí quyển bị phá vỡ, sinh hiện tượng khi một hình thế thời tiết ảnh hưởng đến một khu vực nào đó thì có thể “chết yểu” nhanh, hoặc “sống dai” rất nhiều ngày.

Theo TTO

Các tin cũ hơn