Phố hàng rong… trên giấy!

Thứ năm, 20/07/2017, 12:33
Sau khi đồng loạt ra quân tháo dỡ các công trình lấn chiếm, lập lại trật tự vỉa hè, nhiều quận ở TP.HCM hồ hởi lập đề án quy hoạch phố bán hàng rong nhằm góp phần giữ gìn trật tự đô thị, giúp người nghèo có chỗ mưu sinh...
Phối cảnh quầy bán hàng rong ở vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm “hoành tráng” đến giờ vẫn chỉ nằm... trên giấy

Rầm rộ quy hoạch hàng rong...

Vào tháng 3.2017, song song với việc ra quân lập lại trật tự đô thị, một số quận có đề án thí điểm xây dựng phố bán hàng rong, tiêu biểu nhất là Q.1. Theo đề án mà UBND quận này trình UBND TP, có 3 tuyến đường và vị trí được phép bán hàng rong với quy mô khoảng 100 hộ là vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, Chu Mạnh Trinh và công viên Bách Tùng Diệp. Đây là những vị trí có vỉa hè rộng trên 5m, thuận tiện trong việc đậu, giữ xe.

Theo đề án, các hộ kinh doanh vận chuyển thực phẩm đã được chế biến sẵn tại nhà đến điểm bán. Ở nơi bán chỉ hâm nóng và cung cấp cho khách ăn uống tại chỗ hoặc mang về. Bàn ghế được đóng theo mẫu đảm bảo mỹ quan, phù hợp với cảnh quan nơi tổ chức. Sau thời gian hoạt động, bàn ghế, dù che được thu gọn trả lại diện tích cho người đi bộ…

“Đây là đề án được Q.1 rất tâm huyết để làm sao giải quyết căn cơ, bền vững vấn đề lập lại trật tự vỉa hè gắn với việc tổ chức, bảo đảm đời sống của bà con lao động nghèo”, Chủ tịch UBND Q.1 Trần Thế Thuận nói về mục đích đề án trong cuộc họp với lãnh đạo TP vào ngày 20.3. Nghe mục đích tốt đẹp này, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến giao Q.1 sớm thí điểm phố bán hàng rong ở vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp.

Sau Q.1, UBND Q.3 có dự định chọn đường Lê Ngô Cát, Ngô Thời Nhiệm và Hồ Xuân Hương để làm phố đi bộ và kinh doanh ở vỉa hè theo giờ. Những tuyến đường này có lợi thế nằm cạnh Trung tâm thể dục, thể thao Hồ Xuân Hương. Tiếp đến Q.4, Q.10 cũng có kế hoạch lập phố hàng rong…

“Nghe vậy thôi, biết khi nào có!”

Theo ghi nhận của PV ngày 19.7, ở khu vực công viên Bách Tùng Diệp phố bán hàng rong vẫn chưa thấy đâu. Khi được hỏi, một người bán hàng rong ở công viên này lắc đầu: “Thì chỉ nghe thông tin trên báo chí thế thôi chứ biết khi nào có, chúng tôi cũng chưa thấy cơ quan chức năng nói gì cả”. Tương tự, ở đường Nguyễn Văn Chiêm dù vỉa hè rất rộng, không có nhà dân và tiện lợi cho tổ chức kinh doanh ở vỉa hè, phố bán hàng rong cũng chưa được triển khai.

Hiện đường Nguyễn Văn Chiêm vẫn chưa có phố hàng rong.
Hàng rong tự phát ở công viên Bách Tùng Diệp (Q.1).

“Sau khi báo chí thông tin về phố bán hàng rong ở đường Nguyễn Văn Chiêm vào cuối tháng 3.2017, tôi thấy một số người cũng xuống đây đo đạc vỉa hè. Một số chỗ sụt lún trên vỉa hè được sửa sang cho bằng phẳng và lắp thêm một số thùng rác công cộng, nhưng đến giờ chưa thấy tổ chức bán hàng rong ở đây. Không biết đến bao giờ phố hàng rong mới thành hiện thực”, ông N., một người sửa xe ở góc đường Nguyễn Văn Chiêm và Hai Bà Trưng, nói.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế Q.1, kế hoạch ban đầu thì phố bán hàng rong sẽ hoạt động trong quý 2/2017, nhưng đến nay vẫn chưa chốt được ngày cụ thể hoạt động. Về lý do chậm trễ, ngày 19.7, trả lời PV, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho hay do ở vị trí trung tâm TP nên việc tổ chức phải được chuẩn bị, tính toán kỹ với sự tham gia phản biện của các bên có liên quan. "Hôm qua UBND quận tổ chức lắng nghe ý kiến của MTTQ VN quận và các đoàn thể liên quan về kế hoạch này", ông Hải nói.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND Q.3 Trần Thanh Bình cho biết kế hoạch phố đi bộ và kinh doanh ở vỉa hè theo giờ không thành vì không nhận được sự đồng tình của người dân. Theo đó, sau khi có phương án, UBND Q.3 tiến hành lấy ý kiến nhưng phần lớn người dân ở đây không đồng tình vì lo ngại phố đi bộ và kinh doanh hàng rong tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

“Thay vào đó, UBND Q.3 đang có phương án xin UBND TP triển khai phố đi bộ và kinh doanh hàng rong theo giờ ở khu vực hồ Con Rùa. Do đây là khu vực trung tâm nên nếu có làm thì cần có hiệu ứng ánh sáng, vấn đề mỹ quan nên tốn khá nhiều chi phí, có ý kiến của sở ngành. Để làm được còn phải qua nhiều bước lắm. Hiện quận đang lấy ý kiến người dân ở khu vực này và khi có kết quả sẽ thông báo cho báo chí”, ông Bình nói.

Hàng rong và xe cộ lấn chiếm hết vỉa hè trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1) .

Do chưa có nơi quy hoạch bán hàng rong, nên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP bị tái lấn chiếm để buôn bán như đường Lê Thánh Tôn, khu vực công viên 30.4 gần nhà thờ Đức Bà (Q.1)... Tại một số tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Trang Tử, Nguyễn Trãi, Hồng Bàng (Q.5); Lê Hồng Phong, Trần Phú (Q.10); Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt (Q.11); Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), vỉa hè cũng bị tái lấn chiếm để bán hàng rong, để xe… rất lộn xộn.

“Chúng tôi cũng mong có chỗ quy hoạch để bán đàng hoàng, chứ việc mưu sinh của gia đình cả chục năm nay, lời lãi chả bao nhiêu mà giờ cứ bị nhắc nhở, xử phạt hoài thấy cũng khổ lắm”, một người bán bánh nướng và trái cây ngay góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng bức xúc.

3 tháng vẫn đang lập phương án
Từ tháng 4.2017, UBND Q.10 dự tính sử dụng vỉa hè đường Lý Thường Kiệt và Tô Hiến Thành (nằm bên hông Trường đại học Bách khoa, có vỉa hè rộng gần 10m)... để sắp xếp, tổ chức phố kinh doanh hàng rong nhưng đến nay mọi thứ mới dừng lại ở việc khảo sát, lấy ý kiến người dân và lập phương án chứ chưa triển khai thực tế
.
Tương tự, Chủ tịch UBND Q.4 Trần Hoàng Quân cho hay quận dự kiến dùng lô đất rộng trên 2.000m2 ở đường Vĩnh Khánh đang trong quá trình chờ triển khai dự án để đưa 150 hộ bán hàng rong về đây kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, mấy tháng trôi qua, hiện mới có khoảng 60 hộ ký hợp đồng tới đây buôn bán và việc sắp xếp, tổ chức buôn bán cho bài bản, quy củ vẫn chưa xong!
Không thể chậm trễ nữa
Trả lời PV, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết UBND TP đã nhiều lần chỉ đạo các quận, huyện song song với việc tái lập trật tự lòng lề đường phải chủ động sắp xếp vị trí phù hợp để người bán hàng rong mưu sinh.
“Các quận, huyện phải tổ chức thực hiện ngay việc thí điểm vị trí buôn bán hàng rong để việc tái lập trật tự lòng lề đường được bền vững, đồng thời không làm xáo trộn cuộc sống mưu sinh của một bộ phận người dân. Nếu có những khó khăn, vướng mắc gì thì phải báo cáo ngay cho TP để kịp thời giải quyết, chứ không trì hoãn nữa”, ông Khoa nhấn mạnh.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích