Mục tiêu rõ ràng
Cuộc tập trận hải quân hỗn hợp mang tên Malabar kéo dài 10 ngày giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản trên vịnh Bengal vừa kết thúc ngày 17/7.
Giới phân tích cho rằng điều này chứng tỏ một liên minh chiến lược tam giác do Mỹ đứng đầu nhằm chống lại Trung Quốc đang phát triển.
Với Nhật Bản, đây là lần thứ ba liên tiếp nước này tham gia cuộc tập trận thường niền Malabar với tư cách một đối tác thường trực.
Các tàu chiến của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản dàn trận trong cuộc tập trận hải quân Malabar 2017 |
Hải quân và lính thủy đánh bộ Mỹ từ tàu sân bay USS Nimitz đã cùng lực lượng hải quân Ấn Độ và lực lượng hải quân Nhật Bản tham gia cuộc tập trận Malabar 2017, cuộc tập trận lớn nhất được tổ chức tại Ấn Độ Dương kể từ khi Ấn Độ và Mỹ đưa ra sáng kiến này năm 1992.
Tàu sân bay Nimitz của Mỹ và INS Vikramaditya của Ấn Độ cùng tàu sân bay trực thăng lớn JS Izumo của Nhật Bản đã tham gia cùng 16 tàu chiến khác, 95 máy bay và 2 tàu ngầm.
Trong khi cuộc tập trận hải quân diễn ra thì quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang đối đầu tại cao nguyên Doklam/Donglang trên dãy Himalaya do Trung Quốc và Bhutan cùng tuyên bố chủ quyền.
Một tuyên bố, được đăng tải trên website của Hải quân Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ ngày 6/7 cho biết mục đích chính của cuộc tập trận Malabar 2017 là để đối phó với một loạt những nguy cơ chung đối với an ninh hàng hải tại Ấn Độ Dương-châu Á Thái Bình Dương.
Chuẩn Đô đốc William D Byrne, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ, nhận xét cuộc tập trận này, vốn tập trung vào theo dõi tàu ngầm, sẽ “loại bỏ những khả năng về tính toán sai lầm” và phát đi thông điệp đến tất cả các lực lượng hải quân rằng “chúng ta tốt hơn nên sát cánh bên nhau”.
Chiến hạm INS Shakti của Ấn Độ (phải) sát cánh cùng tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trong một cuộc tập trận Malabar |
Những tuyên bố này không chỉ rõ những mối đe dọa. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ và Ấn Độ ngày càng tỏ rõ quan ngại về việc gia tăng sức mạnh hải quân Trung Quốc, chủ yếu là lực lượng tàu ngầm tại Ấn Độ Dương, thì cuộc tập trận này rõ ràng nhằm mục đích chống lại “sự bành trướng” về mặt quân sự của Trung Quốc tại khu vực này.
Tờ Times of India hôm 11/7 dẫn lời một chỉ huy Mỹ giấu tên nói rằng “cuộc tập trận này sẽ có tác động đáng kể với Trung Quốc” và “họ sẽ biết chúng ta đang sát cánh cùng nhau và tốt hơn nên sát cánh cùng nhau”.
Các quan chức Mỹ đã chỉ ra những mục đích địa chiến lược rộng hơn của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trên website của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Tư lệnh Vernan Stanfield cho biết “cuộc diễn tập liên tục lớn mạnh bởi vì chúng tôi đang điều thêm tàu và chúng tôi tập hợp cùng nhau từ 3 nước”.
Trong một bài báo trên tờ Times of India hôm 11/7, Đại biện của Mỹ tại New Delhi Mary Key Carlson nói “Mỹ hoan nghênh khả năng quốc phòng đang lớn mạnh của Ấn Độ và cam kết của nước này đối với bộ qui tắc chung cho khu vực, trong đó chủ quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng”.
Bà Carlson đã đề cập đến cuộc gặp mới đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Washington, trong đó hai bên đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không và thương mại”, một thông điệp rõ ràng nhằm chống lại Trung Quốc vì các tuyên bố lãnh thổ phi lý của nước này.
Trung Quốc âm thầm theo dõi
Giới phân tích cho rằng cuộc tập trận Malabar là một phần của quá trình hội nhập ngày càng tăng của Ấn Độ vào “cuộc tấn công mang tính chiến lược” của Mỹ nhằm vào Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Modi.
Ngày 26/6, Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi đã đưa ra cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Ấn Độ tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Nhà Trắng.
Việc Chính phủ của Thủ tướng Modi ủng hộ Nhật Bản làm đối tác thường trực của cuộc tập trận Malabar cách đây 2 năm là phù hợp với sự thúc đẩy của Washington nhằm hình thành liên minh tay ba chống Trung Quốc.
Điều này cũng phù hợp với mong muốn của giới tinh hoa Ấn Độ trong việc thắt chặt mối quan hệ với Tokyo vì những lợi ích địa chính trị của chính Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg mới đây, Thủ tướng Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp nhau nhằm tăng cường mối quan hệ song phương. Tháng 12/2016, Ấn Độ đã ký với Nhật Bản một thỏa thuận hạt nhân dân sự mang tính lịch sử tại cuộc gặp thượng đỉnh song phương diễn ra ở Tokyo.
Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực tạo sức mạnh kiềm chế Trung Quốc |
Về mặt công khai, phía Ấn Độ tất nhiên phủ nhận rằng Trung Quốc là mục tiêu của cuộc tập trận hải quân này.
Phó Đô đốc Bisht thuộc Bộ chỉ huy hải quân phía Đông đã từ chối thừa nhận rằng việc lựa chọn các tàu và địa điểm diễn ra cuộc tập trận có liên quan đến sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc hay sự nhận thức về mối đe dọa đối với Ấn Độ ở vịnh Bengal và Ấn Độ Dương.
Ông Bisht tuyên bố Malabar 2017 không liên quan gì đến cuộc đụng độ quân sự của Ấn Độ với Trung Quốc tại Doklam.
Khi được hỏi về cuộc diễn tập Malabar, ngày 7/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết “Trung Quốc không phản đối sự phát triển quan hệ và hợp tác bình thường giữa các quốc gia”.
Tuy nhiên, ông này nói “chúng tôi hy vọng mối quan hệ và sự hợp tác như vậy không nhằm vào một nước thứ 3 và phải dẫn tới hòa bình và ổn định tại khu vực”.
Tờ Hindustan Times cho biết trước cuộc tập trận Malabar, Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện hải quân tại Ấn Độ Dương, bao gồm tàu thu thập thông tin tình báo Haiwaingxing.
Hải quân Ấn Độ cũng đã phát hiện hơn 10 tàu chiến Trung Quốc, bao gồm cả các tàu ngầm và tàu khu trục trong vòng 2 tháng trước khi diễn ra cuộc tập trận Malabar.
Theo Đất Việt