Thách thức NATO ở Syria?
Giới phân tích phương Tây cho rằng việc Nga hậu thuẫn chính phủ Syria chống các tay súng thánh chiến cũng như các phần tử nổi dậy khác đã giúp mang lại cho Moscow một thành trì quân sự mới ở khu vực Địa Trung Hải, và điều này có thể là một thách thức nghiêm trọng đối với NATO.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh - một trung tâm tư vấn có trụ sở tại Washington chuyên theo dõi các cuộc xung đột trên toàn cầu - đã công bố một báo cáo đề cập đến mối liên quan giữa những cam kết của Nga về việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các lực lượng vũ trang của Syria với các mong muốn của Moscow trong việc tăng cường sức đối trọng (của Nga) với liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu, tổ chức hiện chi phối gần như toàn bộ châu Âu.
Máy bay Su-33 trên boong tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga |
Theo đó, Nga đã mở được một con đường mới chiến lược để bước chân vào khu vực Trung Đông đang bị tranh giành khốc liệt. Báo cáo nói trên, do hai nhà phân tích Charles Frattini III và Genevieve Casagrande chủ biên, có đoạn: "Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thiết lập một sự hiện diện quân sự lâu dài tại Địa Trung Hải nhằm thách thức các hoạt động tự do của Mỹ cũng như đẩy 'sườn' phía Nam của NATO vào tình cảnh rủi ro".
Tờ Newsweek dẫn lời bà Casagrande nói với rằng cách Nga tiếp cận cuộc xung đột Syria rõ ràng là dấu hiệu chứng tỏ Nga đang ngầm thâm nhập vào "sườn" phía Nam của NATO, đặc biệt là mối tương tác của Moscow với một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước bảo trợ hàng đầu cho các tay súng chống chính phủ của Tổng thống Assad năm 2011. Ngay từ ban đầu, khi các tay súng nổi dậy bắt đầu nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các nước phương Tây như Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh Arab, điển hình là Qatar, quân đội Syria đã buộc phải rút khỏi phần lớn lãnh thổ đất nước, chỉ để lại vài thành phố lớn làm thành trì hỗ trợ chính phủ.
Máy bay Su-30MS của Nga triển khai tại Syria |
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào năm 2015, khi Nga quyết định can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria theo đề nghị của Tổng thống Assad. Chính phủ Syria và Moksva đã duy trì quan hệ trong hàng thập kỷ, và dưới sự hỗ trợ của các cuộc không kích do Nga tiến hành, lực lượng vũ trang Syria đã có thể giành lại gần hết lãnh thổ đất nước.
Các tay súng nổi dậy gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đầu hàng và giao nộp gần như toàn bộ các khu trung tâm đông dân cư mà họ đang kiểm soát cho quân đội Syria.
Có lẽ bước ngoặt lớn nhất trong cuộc chiến này là vào tháng 12/2016, quân nổi dậy đã bị đánh bại tại Aleppo. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận chưa từng có tiền lệ với Nga, theo đó từ bỏ nơi từng là thành trì ủng hộ phe chống chính phủ ở Aleppo.
Binh sĩ Nga rà phá mìn tại Aleppo, Syria |
Động thái này đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình hòa bình Astana, một nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến Syria song song với các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ ở Geneva, Thụy sĩ.
Bà Casagrande cho rằng việc Nga có thể thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ hàng đầu của chính phủ Assad, bước vào bàn đàm phán với chính phủ Syria và Iran (một đồng minh lớn khác của ông Assad), là bước ngoặt lớn theo hướng có lợi cho Moscow.
Bà Casagrande nói: "Nga đang tận dụng lợi thế này để gây chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong NATO. Đây là một phần trong kế hoạch toàn cầu của Nga nhằm kiềm chế và phá vỡ NATO".
Không chỉ có Syria
Theo bà Casagrande, chiến lược này dường như đang phát huy tác dụng. Về mặt chiến thuật, quân đội Syria và các đồng minh đã giành được thắng lợi đáng kể khi ngay cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng phải từ bỏ yêu cầu rằng ông Assad phải ra đi như là điều kiện tiên quyết cho việc chấm dứt cuộc chiến Syria vốn đã kéo dài hơn 6 năm, làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Quân đội Syria đã giành lại được hầu hết khu vực phía Tây đất nước, giành lại được thành trì Idlib của phiến quân và đã bắt đầu tiến về phía Đông, nhanh chóng thâm nhập vùng lãnh thổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để tiến vào thành phố Deir Al-Zour, vốn nằm dưới sự chiếm đóng của các tay súng thánh chiến kể từ năm 2014.
Binh sĩ quân đội Syria tại Palmyra |
Mặt khác, Nga cũng đang để mắt đến phía Tây. Nước này đã tăng cường các nguồn lực hải quân hùng mạnh, bao gồm 15 tàu chiến đến từ Hạm đội Biển Đen hỗ trợ Lực lượng Đặc nhiệm Địa Trung Hải Thường trực vào ngày 5/7.
Newseweek tiếp tục dẫn lời một nhà phân tích có tên Neil Hauer nói: "Tôi cho rằng việc Nga can dự vào Syria rõ ràng có liên quan đến ý đồ của Moscow muốn tăng cường sức mạnh hơn nữa tại khu vực này nói chung". Ông cũng lưu ý tới việc Nga nâng cấp cả căn cứ hải quân ở Tartous lẫn căn cứ không quân ở Latakia.
Ông nói thêm: "Tất cả những động thái này vượt ra ngoài cái gọi là chiến dịch chống quân nổi dậy Syria và IS hiện nay, vì thế rõ ràng chúng là nhằm biến Nga trở thành một 'người chơi lớn' trong khu vực, thách thức các mục tiêu của NATO trong những năm tới".
Tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ trên Địa Trung Hải |
Mục tiêu của Nga không chỉ có Syria. Các lực lượng đặc nhiệm của Nga được cho là đã bắt đầu xuất hiện tại Ai Cập, có khả năng sẽ lôi kéo nhà lãnh đạo quân đội Libya Khalifa Hifter, người ngày càng có ảnh hưởng về chính trị ở Libya.
Yemen, đất nước bị tàn phá bởi chiến dịch do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm chống lại Houthi, nhóm tay súng Hồi giáo gồm đa số người Shi'ite, cũng có thể là nơi phiêu lưu quân sự của Nga. Đất nước này là nơi Mỹ và các đồng minh đã phải vất vả vật lộn để đạt được mục tiêu của riêng mình.
Theo Newsweek, trong bối cảnh Nga và NATO kình địch nhau ở Baltic cũng như nhiều khu vực khác ở châu Âu, NATO có thể tự nhận thấy mình bắt đầu bị tổn thương trước việc Nga đang nhanh chóng mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Theo Đất Việt