Khách Trung Quốc tăng, khách Châu Âu giảm: Việc cần làm ngay...

Thứ tư, 19/07/2017, 09:25
Vấn đề ở đây là làm sao điều hòa được tất cả các mối quan hệ đó để hạn chế thấp nhất các xung đột, đó là vấn đề phải nghiên cứu.

Đặc trưng dẫn đến xung đột giữa các nhóm khách

Trước con số thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa chỉ rõ, khách Trung Quốc và Nga đến Nha Trang tiếp tục tăng, nhưng các thị trường truyền thống như Pháp, Mỹ, Nhật Bản giảm mạnh, có thị trường giảm trên 30%, PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thản nhiên và biết chắc chuyện này sẽ xảy đến không sớm thì muộn.

Trao đổi với PV, ông Lương cho biết: "Tôi đã nói về vấn đề này rất nhiều lần, nên tôi không có gì bất ngờ, nhưng thực tế không riêng gì Nha Trang mà nhiều điểm đến khác cũng đang phải đối diện với nguy cơ này.

Tôi nghĩ, đây là một vấn đề đáng lẽ ra Tổng cục du lịch, Bộ VHTT-DL phải đặt ra để nghiên cứu, làm sao dựa trên nguyên tắc:

Một là, không phân biệt đối xử với dòng khách nào, luôn đối xử như nhau và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du khách.

Hai là,cố gắng không để xảy ra xung đột và mất dần đi những thị trường mục tiêu và ưu tiên, trong nhóm thị trường có dòng khách ưu tiên số 1 là khách Tây Âu như Mỹ, Pháp...vì họ ở dài ngày, chi tiêu nhiều. Còn khách Trung Quốc cũng là thị trường ưu tiên nhưng ở lớp sau.

Vậy bây giờ làm thế nào để đạt được 2 nguyên tắc trên, mà vẫn đạt được mục tiêu kinh tế, phải thấy đây là vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc".

Du khách Trung Quốc

Lý giải cho nghịch lý trên, theo ông Lương, khách châu Âu thích đi nghỉ dưỡng, tìm nơi yên tĩnh, thiên nhiên, tất nhiên có cuộc sống người dân bản địa thì càng tốt để họ có cơ hội khám phá nét đẹp văn hóa, đó là đặc trưng của khách Tây Âu, dòng khách cao cấp.

Còn khách Trung Quốc thì thích những nơi đô thị, nhộn nhịp, sôi động, ăn uống, mua sắm, vui chơi. Chắc hẳn không ai quên hình ảnh du khách Trung Quốc chen nhau ăn hải sản tại khách sạn ở đảo Hòn Tằm - Nha Trang.

Khách Nga thì cũng tương tự như vậy, nhưng không quá ầm ĩ như khách Trung Quốc, nhưng họ lại thích uống rượu, đôi khi uống nhiều cũng nhũng nhiễu. Chính vì những đặc điểm trái ngược này gây ra các xung đột với nhau giữa các nhóm khách này.

Vấn đề ở đây là làm sao điều hòa được tất cả các mối quan hệ đó để hạn chế thấp nhất các xung đột, đó là vấn đề phải nghiên cứu.

Khách Trung Quốc đi tour 0 đồng ý thức rất kém

Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, thị trường Trung Quốc cũng có nhiều dòng khách, khách bình dân là khách đi theo tour du lịch không cao cấp, khách hạng sang là khách đi tour nghỉ dưỡng, chi tiêu nhiều cũng rất lịch sự.

Nhưng tình trạng xuất hiện nhiều “tour du lịch 0 đồng” cùng một số cửa hàng chỉ bán hàng cho người Trung Quốc tăng mạnh ở Đà Nẵng, TP.HCM, Quảng Ninh thời gian qua đã làm méo mó hình ảnh du lịch và không mang lại lợi ích cho ngành du lịch Việt. Bởi du khách đến các nơi mua sắm đã được thỏa thuận trước, số tiền đó lại quay về Trung Quốc hoặc rơi vào túi cá nhân nào đó.

Hơn nữa, khách du lịch đi theo tour giá rẻ hoặc 0 đồng đều không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, họ thường vứt rác bừa bãi, đi vệ sinh không đúng theo quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan khu du lịch nói riêng và môi trường xung quanh nói chung.

"Chúng ta đừng nhìn vào số lượng, nên nhìn vào tổng thu nhập du lịch là bao nhiêu để điều chỉnh chính sách, đừng biến thành "bãi rác du lịch". Tôi đã từng nói thay vì phục vụ 10 khách thì mình phục vụ 1 khách cũng đạt hiệu quả tương đương, trong khi, không tốn cơ sở vật chất và nhân lực.

PGS.TS Phạm Trung Lương

Xảy ra thực trạng này, lỗi đầu tiên là do các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý. Vì sao lại để các doanh nghiệp câu kết để thao túng thị trường khách du lịch như vậy? Chính quyền địa phương đã không phối hợp tốt để xử lý nghiêm các trường hợp này", ông Lương đặt vấn đề.

Mục tiêu tăng thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của du khách

Sau khi chỉ ra những tồn tại, bản thân ông Lương cũng đưa ra giải pháp, ông chỉ rõ: "Đầu tiên, phải ngăn chặn, tập trung giải quyết căn bản các vấn nạn, tiến tới chấm dứt một loạt hình ảnh xấu của môi trường du lịch. Như Thái Lan họ rất kiên quyết, ví dụ nếu du khách làm ầm ĩ là họ sẽ phạt thậm chí trục xuất, khách du lịch cũng phải tuân thủ pháp luật nước sở tại.

Học hỏi Thái Lan, Campuchia, chấm dứt tour 0 đồng bằng cách quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế.

Đối với điểm mua sắm, cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Đa dạng hóa sản phẩm và loại hình du lịch để phù hợp với từng phân khúc thị trường khác nhau, thu hút khách Trung Quốc hạng sang.

"Vấn đề chất lượng tăng trưởng du lịch là ở chỗ làm sao có thể kéo dài thời gian lưu trú của khách hơn, tăng mức chi tiêu của khách, hay tạo nhiều việc làm hơn…. Chính vì vậy, theo tôi, du lịch cần phát triển bền vững không nên chạy đua phát triển.

Cùng với đó, thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng bằng các ngôn ngữ khác nhau, số điện thoại đường dây nóng nên công khai ở khắp nơi từ khách sạn, sân bay tới các khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển nhằm đảm bảo cho du khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện.

Huy động tổng hợp nguồn lực và đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp", ông Lương nhấn mạnh.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn