Vì sao 7-Eleven đột ngột "dẹp tiệm" ở Indonesia?

Thứ ba, 18/07/2017, 15:23
Sự cạnh tranh gay gắt, môi trường pháp lý không thuận lợi đã buộc chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven phải chấm dứt hoạt động ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, theo South China Morning Post.

Khách hàng ăn uống bên trong một cửa hàng 7-Eleven ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: International Herald Tribune.

Cuối tháng trước, công ty kinh doanh cửa hàng tiện lợi Modern Internasional (Indonesia), đơn vị được nhượng quyền kinh doanh thương hiệu 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu của Nhật Bản thông báo chấm dứt hoạt động toàn bộ 136 cửa hàng 7-Eleven ở Indonesia vì thiếu nguồn lực.

Modern Internasional cho biết quyết định đóng cửa được đưa ra sau khi việc đàm phán chuyển nhượng các cửa hàng 7-Eleven và các tài sản khác ở Indonesia cho Charoen Pokphand Indonesia, công ty con của tập đoàn Charoen Pokphand Group (Thái Lan) với giá 1.000 tỉ rupiah bất thành.

Trong khi đó, thông báo báo của 7-Eleven, cho biết: “Hôm 14-6-2017, 7-Eleven chấm dứt hợp đồng nhượng quyền kinh doanh với Modern Sevel, công ty con của Modern Internasional”.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận về lý do tại sao 7-Eleven đóng cửa tại Indonesia vẫn chưa dứt. Các nhà phân tích và các nhà quan sát ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi cho rằng sự cạnh tranh gay gắt, nền kinh tế trì trệ và các rào cản pháp chế, bao gồm lệnh cấm bán rượu ở các siêu thị mini trên toàn quốc đã dẫn đến thương hiệu này "thất trận" ở Indonesia.

Cửa hàng bán lẻ kiêm quán café và nhà hàng

Năm 2009, Modern Internasional khai trương cửa hàng 7-Eleven đầu tiên ở thủ đô Jakarta và sau đó, mạng lưới chuỗi cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu nổi tiếng này được mở rộng nhanh chóng. Modern Internasional đã giới thiệu mô hình kinh doanh kết hợp giữa quán café và nhà hàng vào các cửa hàng tiện lợi truyền thống.

Không giống như những siêu thị mini ở Indonesia vào thời điểm đó, bên cạnh các mặt hàng điển hình như đồ ăn nhanh, thức uống lạnh, hầu hết các cửa hàng 7-Eleven đều có bán các món ăn nóng, cung cấp không gian chỗ ngồi rộng rãi cho thực khách và mở cửa 24 giờ/ngày. Các cửa hàng 7-Eleven cũng cung cấp Wi-fi miễn phí, thậm chí mời các ban nhạc sống đến biểu diễn để thu hút khách hàng ghé thăm vào buổi tối.

Trong nhiều năm liền, chiến lược này mang lại hiệu quả. Sinh viên và những người đi làm trẻ tuổi đổ xô đến cửa hàng 7-Eleven và ngồi lại trong nhiều tiếng cùng với nhóm bạn bè, uống bia hay nước giải khát trong khi làm việc trên máy laptop.

Vào thời điểm hoàng kim trong năm 2014, tổng doanh thu cao ngất của Modern Internasional từ 190 cửa hàng, chủ yếu là các cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu 7-Eleven, đạt 1,4 nghìn tỉ rupiah. Modern Internasional đã biến chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven từ chỗ chỉ là nơi ghé đến mua hàng rồi đi trở thành các tụ điểm được yêu thích vào buổi tối.

“Bạn bè của tôi và tôi thường ghé đến cửa hàng 7-Eleven và ngồi ở đó nhiều tiếng. Chúng tôi thích các món ăn nóng ở đây. Các siêu thị mini khác không bán chúng”, Rifadha Fairuz, một khách hàng quen của 7-Eleven, nói.

Bị sao chép mô hình kinh doanh

7-Eleven cũng đóng góp vai trò cho sự phát triển hệ sinh thái thanh toán số ở Indonesia bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trực tuyến và nhận thu hộ tiền điện, tiền nước thông qua nhân viên thu ngân. Hai chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất trong nước Indomaret và Alfamart, những đối thủ cạnh tranh của 7-Eleven, cuối cùng cũng bắt chước mô hình kinh doanh của 7-Eleven bằng cách bán các món ăn nóng và thiết kế không gian chỗ ngồi dành cho khách hàng ở một số cửa hàng. Các chuỗi siêu thị này giờ đây cũng nhận thu hộ tiền điện nước và cung cấp một loạt dịch vụ số bao gồm thương mại điện tử.

Indomaret và Alfamart chiếm gần 90% thị phần cửa hàng tiện lợi của Indonesia vào năm ngoái, trong khi đó, 7-Eleven chỉ chiếm thị phần rất khiêm tốn 0,7%, theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International.

“Điều này cho thấy rằng mô hình kinh doanh của 7-Eleven dễ dàng được các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác sao chép và động thái này có thể giúp họ mở rộng công việc kinh doanh”, Roy Mandey, Chủ tịch Hiệp hội các công ty bán lẻ Indonesia, nói.

Những ngày huy hoàng của 7-Eleven ở Indonesia không kéo dài lâu. Trong hai năm qua, người dân Indonesia chi tiêu tiết kiệm hơn khi nền kinh tế trì trệ.

“Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng đã tác động đến ngành bán lẻ tổng thể. Nhiều khách hàng không còn mua tích trữ thực phẩm và chỉ mua hàng hóa khi cần thiết, ông Mandey nói. Nhiều người tiêu dùng Indonesia chuyển sang mua hàng hóa trực tuyến, khiến tần suất ghé các cửa hàng tiện lợi giảm đi.

Modern Internasional đã phải đóng 45 cửa hàng tiện lợi trong hai năm qua vì doanh thu sụt giảm. Năm ngoái, công ty này ghi nhận khoản lỗ ròng 639 tỉ rupiah, tăng mạnh so với khoản lỗ 58 tỉ rupiah trong năm 2014. Doanh thu thuần của chuỗi cửa hàng 7-Eleven của Modern Internasional trong năm ngoái chỉ đạt 675 tỉ rupiah, giảm gần 24% so với cùng ký năm 2015.

Vấp phải sự cạnh tranh từ nhà hàng truyền thống

"Khó khăn của 7-Eleven tại Indonesia càng trầm trọng hơn vì không có sự khác biệt rõ ràng giữa các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và các nhà hàng thức ăn nhanh cỡ vừa ở Indonesia” Olly Prayudi, Phó giám đốc chi nhánh của hãng đánh giá tín dụng quốc tế Fitch tại Indonesia, nhận định.

Ông nói mô hình kinh doanh cửa hàng 7-Eleven ở Indonesia giống như mô hình kinh doanh của các nhà hàng khi chuỗi cửa hàng tiện lợi này cung cấp các món ăn sẵn và đồ uống cũng như chỗ ngồi và Wi-fi miễn phí. Điều này  khiến chuỗi cửa hàng 7-Eleven vấp phải sự cạnh tranh dữ dội từ các nhà hàng và quán ăn truyền thống ở Indonesia

Để vượt qua sự cạnh tranh gay gắt, các cửa hàng 7-Eleven được bố trí ở các khu vực quan trọng của Jakarta, nơi giá cho thuê mặt bằng cao ngất ngưỡng.

Các quy định quản lý không thuận lợi cũng làm khó cho chuỗi cửa hàng 7-Eleven ở Indonesia. Năm 2015, Indonesia ban hành lệnh cấm bán thức uống có cồn ở các siêu thị mini và các cửa hàng tiện lợi. Động thái này gây ra tổn thất lớn cho 7-Eleven vì thức uống có cồn chiếm 15% doanh thu của Modern Internasional.

Indonesia cấp hai giấy phép riêng biệt cho các nhà kinh doanh bán lẻ và các nhà hàng hay quán café. Điều này hạn chế khả năng mở rộng hệ thống cửa hàng 7-Eleven ra khắp Jakarta và các thành phố lân cận vì 7-Eleven chỉ có giấy phép kinh doanh nhà hàng từ Sở Du lịch Jakarta.

Để có được giấy phép kinh doanh bán lẻ, cho phép mở rộng mạng lưới cửa hàng ra các khu vực khác của Indonsia, 7-Eleven cần có ít nhất 250 cửa hàng ở Jakarta, một điều kiện rất khó thực hiện.

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn