Khi 7-Eleven đến: Chào đón hay mất trắng?

Thứ hai, 19/06/2017, 10:24
Cuộc trò chuyện của nhóm chuyên gia thị trường của BSA tuần này xoay quanh sự xuất hiện gần nhất của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Việt Nam.

Cuộc trò chuyện cuối tuần của nhóm chuyên gia thị trường của BSA tuần này xoay quanh sự xuất hiện gần nhất của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-11 (Seven-Eleven) tại Việt Nam. Thay vì viết một mình như những tuần trước, tôi tổng hợp các ý kiến của chuyên gia về bán lẻ và nhà báo sau đây: bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về nhượng quyền bán lẻ; ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia về thương hiệu và bán lẻ; nhà báo trẻ Nguyễn Đức Tâm của Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Sau đây là nội dung trao đổi.

Chuỗi 7-11 sẽ mang đến những tiện lợi và tiện nghi mới. Ta chào đón. Nhưng đồng thời, tác động của nó lên thị trường bán lẻ cũng đan xen nhiều mặt…

Ông bà nghĩ gì khi 7-11 rầm rộ bước vào thị trường bán lẻ Việt Nam?

Bà Phi Vân: Ta thử xem mật độ các cửa hàng tiện lợi (CHTL) trên dân số các nước. Theo AC Nielsen, một CHTL hiện đang phục vụ cho 1.835 người tại Hàn quốc, cho 5.556 người tại Thái Lan, 7.300 người Singapore, và 37.000 người Philippines, và 69.000 người Việt Nam. Do đó, Việt Nam, thị trường đông dân còn tiềm năng bao la và vẫn còn trong giai đoạn đầu phát triển, không có khái niệm về sự bão hoà.

Dưới góc độ người tiêu dùng thì đây là tín hiệu vui vì họ càng có nhiều người phục vụ và nhiều khả năng chọn lựa. Ngoài ra theo ông bà còn có những xáo trộn nào khác?

Bà Phi Vân: Việc 7-11 bước vào thị trường Việt Nam sẽ tạo ra một áp lực rất lớn về chiến lược phát triển, chất lượng mô hình và dịch vụ, khiến các đối thủ trong ngành phải nhanh chóng thay đổi và nâng cấp. Cùng với sự phát triển của tư duy tiêu dùng mới mang tính tiện lợi, di động, đơn giản, tiết kiệm của người tiêu dùng số, chiếm 59% dân số Việt Nam, chuyển động của ngành bán lẻ theo xu hướng nhỏ hơn, tiện lợi hơn, đến gần người tiêu dùng hơn sẽ ngày càng phát triển, tạo nền tảng cho các CHTL ngày càng phát triển.

Ông Trần Anh Tuấn: Chuỗi 7-11 vốn được biết đến nhiều hơn về “Dịch vụ ăn uống tiện lợi” chứ không chỉ CHTL thông thường. Các chuỗi CHTL đang có đang cạnh tranh chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm chế biến hoặc khá hơn nữa là thực phẩm tươi sống, và chưa chú tâm vào dịch vụ thực phẩm tiện lợi. Cách quản lý dịch vụ ăn uống tiện lợi thì hoàn toàn khác.

Bà Phi Vân: Vâng, chúng ta có thể  nhìn thấy ở chuỗi 7-11 sự giao thoa giữa mô hình CHTL và mô hình thức ăn nhanh, mà 7-11 đang dẫn đầu xu hướng: họ xây dựng quầy thức ăn nhanh với nhiều sản phẩm vô cùng đa dạng phục vụ nhu cầu “Tôi muốn thứ tôi muốn ngay khi tôi muốn”. Tại Việt Nam, Circle K cũng có những chuyển động tương tự, tuy dòng sản phẩm còn chưa đa dạng.

Ông Nguyễn Đức Tâm: Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội bao nhiêu trong cung ứng hàng cho họ? Chắc là có. Các hiệp hội có thể giúp họ quan hệ tốt hơn với các nhà cung cấp. Dĩ nhiên đó là nói về các hiệp hội doanh nghiệp thực sự có gắn bó và đại diện được cho quyền lợi doanh nghiệp thành viên.

Các chuỗi CHTL, các quán cơm văn phòng, thậm chí căngtin các đại học, các công sở thì chắc họ đang phải… coi chừng. Vì họ ra đời nhằm cung cấp đồ ăn văn phòng cho dân công sở hay cho công nhân viên ăn trưa.

Các đơn vị đào tạo nhân sự bán hàng cũng có “đơn đặt hàng” gián tiếp từ nhu cầu gia tăng nhân sự bán hàng  của ngành bán lẻ. Tại Thái Lan, chuỗi 7-11 lập tới hai trường đào tạo kỹ năng cho nhân viên cửa hàng, nhân viên có thể được thăng chức ngay sau khoá đào tạo, là điều ta nên xem xét.

Nhân đây xin thử bàn một chút về cục diện ngành bán lẻ và vấn đề chính sách của Nhà nước?

Bà Phi Vân: Đúng đây là vấn đề đáng bàn. Làm việc chuyên sâu trong lãnh vực nhượng quyền, tôi quan tâm đến cục diện sắp tới. Đối với cục diện chung của thị trường bán lẻ Việt Nam, sự xuất hiện của 7-11 là có ích, là cần thiết vì sẽ có tác động nâng cấp chất lượng ngành bán lẻ.

Tuy nhiên, cần chú ý khía cạnh này: khi các đại gia bán lẻ cùng đổ vào Việt Nam, chủ yếu qua hình thức nhượng quyền, họ thực tế đang sử dụng nguồn lực Việt Nam để khai thác thị trường Việt Nam. Hàng hoá nước ngoài cũng qua kênh này thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường Việt Nam.

Vậy Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để đối ứng với chuyển động tất yếu này? Nếu chúng ta nói rất nhiều về nhu cầu hỗ trợ, hay thậm chí có nhiều văn bản về các chủ trương chính sách hỗ trợ mà chẳng có hành động gì, không có chiến lược mang tầm quốc gia và chương trình hành động rõ ràng, xuyên suốt, có chỉ số đánh giá kết quả và mục tiêu rõ ràng, thì tôi e rằng: ngành bán lẻ Việt Nam có thể coi sự kiện này như tín hiệu báo động là xem như… mất trắng.

Vì nội lực doanh nghiệp Việt hiện không đủ mạnh, tính chuyên nghiệp không đủ cao, và tư duy chưa đủ tầm vóc để có thể tự thân cạnh tranh trên chính sân nhà.

Ông Trần Anh Tuấn: Theo tôi, cuộc chiến chỉ “mới nóng lên” nếu nhìn từ phạm vi cạnh tranh mới hay ngành hàng mới, ở đây là nói đến chuỗi dịch vụ ăn uống tiện lợi. Hiện nay, yếu tố cạnh tranh với chuỗi dịch vụ ăn uống tiện lợi đòi hỏi các yếu tố thành công hoàn toàn mới và khác lâu nay, đặt ra vấn đề quản lý bản lĩnh và có hiệu lực của Nhà nước.

Các doanh nghiệp liên quan phải hiểu đối thủ để cạnh tranh, thế thì Nhà nước càng phải hiểu về từng chuỗi CHTL, nhất là chuỗi 7-11 như thế nào để giám sát và hướng dẫn, đó cũng là yêu cầu mà Nhà nước không thể lơ là. Những thay đổi từ hướng ngày càng hiện đại hoá dịch vụ khách hàng của các chuỗi CHTL hiện nay khá nhanh, Việt Nam hiểu và giám sát thế nào về chất lượng thực phẩm. Đồ uống phải đúng chuẩn quốc tế; dịch vụ thân thiện và có tính tương tác cao; dịch vụ cung ứng tại chỗ nhanh chóng; nhiều đổi mới sáng tạo về cấu trúc thực đơn, đóng gói; có hệ thống nghiên cứu và phân tích dữ liệu Big data…

LTS: Cần nhìn toàn diện vấn đề. Chuỗi 7-11 sẽ mang đến những tiện lợi và tiện nghi mới. Ta chào đón. Nhưng đồng thời, tác động của nó lên thị trường bán lẻ cũng đan xen nhiều mặt, trong đó, tìm hiểu những ưu thế, những tiến bộ của họ là điều doanh nghiệp Việt và cơ quan quản lý thương mại Việt Nam cần tập trung để có sự đáp ứng cho phù hợp. Nhất là với chính sách nhà nước. Đã có thêm tín hiệu nóng rằng, chỉ có công bố chính sách hỗ trợ mà không làm gì thì doanh nghiệp càng thêm thiệt thòi.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Các tin cũ hơn