|
Những chiếc tàu vỏ thép bị gỉ, hỏng máy bất đắc dĩ phải nằm bờ chờ kết luận của các cơ quan chức năng |
Ông Nguyễn Văn Trung - vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, người được lãnh đạo Tổng cục Thủy sản phân công trả lời PV về vụ việc này - cho biết:
|
Ông Nguyễn Văn Trung |
Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm đã phân công tổ đăng kiểm số 3 thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật trong đóng mới tàu cá tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đơn vị đóng mới 21 tàu cá vỏ thép cho ngư dân Bình Định và Phú Yên. Tổ có thành phần gồm đăng kiểm viên có chuyên môn về máy tàu, vỏ tàu, chế tạo máy.
Các đăng kiểm viên tàu cá đã được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ đăng kiểm, đáp ứng được yêu cầu về nhân lực kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá.
* Ai là người giám sát hoạt động của đăng kiểm viên, thưa ông?
- Đăng kiểm viên sau khi hoàn tất đăng kiểm thì báo cáo cho thủ trưởng đơn vị đăng kiểm. Thủ trưởng đơn vị phải trực tiếp kiểm tra và ký các giấy tờ liên quan đến đăng kiểm. Như vậy, thủ trưởng cơ quan đăng kiểm sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
Vậy trách nhiệm của đăng kiểm như thế nào ở 21 tàu bị hỏng, vì đăng kiểm giám sát từng phần mà không phát hiện ra thép và máy đều khác với hợp đồng?
- Nhiệm vụ của đăng kiểm khi đó là căn cứ theo hồ sơ, kiểm tấm thép đó xem có đúng trong hồ sơ, có đúng loại dùng để đóng tàu biển không và nếu đúng thì cho phép sử dụng đóng tàu. Đăng kiểm kiểm tra về an toàn kỹ thuật, còn loại thép đắt hay rẻ thì tùy theo năng lực tài chính của chủ tàu, chỉ quan trọng là loại thép đó tối thiểu đủ tiêu chuẩn đóng tàu biển.
Còn với máy thì khi máy còn nguyên đai nguyên kiện, đăng kiểm mở niêm phong, kiểm tra các thông số kỹ thuật, nếu đúng hồ sơ, đúng nguồn gốc xuất xứ giữa hồ sơ và thực tế, có chứng thư giám định chất lượng của đơn vị được Nhà nước cho phép thì cho lắp.
Nhưng ở đây 8/9 máy tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu lắp là không chính hãng. Vì sao máy không chính hãng xuống tàu được thì phải xem xét từng khâu. Nhưng chỗ kiểm tra chất lượng máy, vì sao đây là máy bộ lại có hồ sơ ghi rõ là máy thủy?
Có hay không lúc đăng kiểm thì đạt nhưng sau lại bị đánh tráo bằng máy khác để lắp? Hay có vấn đề gì ở khâu giấy tờ, điều này cần cơ quan chức năng xem xét.
|
Cắt một miếng vỏ thép trên tàu ông Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) - chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS - để đem đi kiểm định chất lượng |
Ông có cho rằng việc này có liên quan đến năng lực của đăng kiểm?
Để xác định trách nhiệm của các bên có liên quan như nhà máy đóng tàu, đơn vị thiết kế, cơ quan đăng kiểm, chủ tàu, đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị máy móc, tổ chức giám định chất lượng thì cần có thời gian, đặc biệt là sau khi có kết quả của tổ thẩm định chất lượng tàu của tỉnh Bình Định.
Tôi được biết tổ thẩm định cũng đã cắt thép vỏ tàu để kiểm tra. Cần nâng cao trình độ đăng kiểm viên, nhưng nếu hồ sơ gửi đăng kiểm là giấy tờ giả, được làm giả tinh vi thì cũng rất khó để phát hiện.
Theo ông, phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân?
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã yêu cầu thay các máy tàu bị hỏng. Đối với vỏ thép thì bộ cũng đã yêu cầu thay, nhưng về mặt kỹ thuật thì nếu thay vỏ thép thà là đóng mới con tàu rồi cẩu thiết bị ở tàu cũ sang thì mới đảm bảo.
Về phía Tổng cục Thủy sản, chúng tôi cũng đã chấn chỉnh công tác đăng kiểm, rà soát các quy định về công tác đăng kiểm, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm và đề nghị ngân hàng thương mại xem xét việc khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân. Những trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Đăng kiểm bị lừa hay cố tình? Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-6, một lãnh đạo thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định việc lắp máy bộ cho phương tiện thủy mà vẫn được đăng kiểm thành công là điều không thể chấp nhận được. Vị này lấy ví dụ, một chiếc ôtô (sử dụng máy bộ) chạy trên đường, dù là xe tải hạng nặng thì thời gian hoạt động cao nhất cũng chỉ khoảng 2 ngày là nghỉ. Tuy nhiên, đối với tàu biển và nhất là tàu cá đi đánh bắt xa bờ thì thời gian máy phải hoạt động có khi lên đến cả tháng trời, tức là hoạt động liên tục. “Đó cũng chỉ là vấn đề thứ nhất, vấn đề nữa là môi trường hoạt động dưới biển khác xa so với trên bộ. Tàu đi biển thì phải bị lắc, bị chao đảo do vậy mà máy nổ cũng ở trong tình trạng lúc nào cũng bị lắc nên đòi hỏi độ cân bằng phải tốt. Chưa kể môi trường luôn ẩm ướt, nhiều muối và có thể hệ thống làm mát phải sử dụng cả nước mặn... Chỉ sơ qua những vấn đề nêu trên để thấy yêu cầu của máy thủy lúc nào cũng cao hơn rất nhiều lần so với máy bộ” - vị này nói. Xung quanh câu chuyện về việc đăng kiểm theo hợp đồng hay đăng kiểm để đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, vị lãnh đạo này cũng khẳng định phải đăng kiểm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. “Tôi có theo dõi về vụ việc tàu cá của ngư dân ở Bình Định bị hỏng hóc và thấy rằng vấn đề cần phải tìm hiểu thêm xem bên Trung tâm Đăng kiểm của Tổng cục Thủy sản họ có làm đúng quy trình chứng nhận không. Nếu chứng nhận đạt quy chuẩn tối thiểu thì có nghĩa là không thể có chuyện bị gỉ nặng như thế được” - vị này nhấn mạnh. Về máy tàu, vị này đặt câu hỏi: “Vấn đề là tại sao ông đăng kiểm lại không phát hiện được máy giả, quy trình đăng kiểm của ông có chặt chẽ không mà dễ bị lừa như vậy? Cần phải điều tra thêm xem (cơ quan đăng kiểm) bị lừa hay cố tình bị lừa”. Quy trình đăng kiểm Theo quy định tại điều 15 quyết định 96/2007/QĐ-BNN, quy trình đăng kiểm tàu cá vỏ thép gồm nhiều bước, hồ sơ đăng kiểm cấp cho tàu cá (sau khi được kiểm tra, xác định đạt tiêu chuẩn kỹ thuật) gồm các loại giấy tờ như giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; sổ đăng kiểm tàu cá, các loại biên bản kiểm tra kỹ thuật (trong kiểm tra đóng mới là biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu), biên bản nghiệm thu từng phần. Ngoài các giấy tờ nêu trên, tùy thuộc vào công dụng hoặc mức độ trang bị của tàu cá còn có các giấy chứng nhận thử vật liệu, các thiết bị, trang bị lắp đặt trên tàu cá. (Nguồn: Tổng cục Thủy sản) |
Theo TTO