|
Những con tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng phải neo đậu dài ngày trong cảng Đề Gi (huyện Phù Cát) |
Ngày 18-6, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an, gọi tắt là Công ty Nam Triệu) lại một lần nữa hứa sẽ lắp máy mới 100% chính hãng cho ngư dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đặng Ngọc Oanh - tổng giám đốc Công ty Nam Triệu - cho biết công ty đã đi kiểm tra, xác minh, kết quả ban đầu là những động cơ Mitsubishi mà Công ty Hoàng Gia Phát cung cấp đã lắp vào những chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định không phải xuất xứ từ Nhật Bản mà đi từ... Mỹ về.
“Hoàng Gia Phát không mua một nơi mà mua gom ở nhiều nơi. Máy đó đến tay họ là chủ thứ ba, đến chúng tôi là chủ thứ tư. Họ mua đi bán lại nên thực tế hồ sơ và máy họ không biết” - ông Oanh nói.
Thay máy mới để dân sớm ra khơi
Ông Oanh cũng cho hay sau khi có kết luận của tổ thẩm định độc lập và UBND tỉnh Bình Định (dự kiến ngày 25-6), công ty sẽ cùng với các ngân hàng làm việc với ngư dân, nhờ Sở NN&PTNT Bình Định làm “trọng tài” để giải quyết nhanh sự vụ.
“Nếu kết luận máy nào không đúng như hợp đồng thì chúng tôi sẽ thay cho đúng. Công ty Nam Triệu sẽ bỏ tiền ra mua máy mới, chính hãng Mitsubishi từ đại lý phân phối ủy quyền chính thức, để ngư dân đưa tàu trở lại biển đánh bắt trong thời gian sớm nhất” - ông Oanh cam kết.
Chiều 18-6, ông Lê Minh Xuân - giám đốc Công ty TNHH đầu tư thương mại Tân Trung Thịnh (Bà Rịa - Vũng Tàu), đại lý phân phối ủy quyền máy thủy Mitsubishi tại VN - cho biết Công ty Nam Triệu đã mời ông đến trụ sở công ty để thương thảo về việc cung cấp máy thủy Mitsubishi chính hãng.
|
Chủ tàu Trương Hoài Khánh với giấy báo nợ quá hạn của ngân hàng, thông báo ông không được hưởng lãi suất ưu đãi theo nghị định 67 vì chậm trả nợ lãi |
Ngư dân ngắc ngoải vì nợ
Tàu hỏng liên tục, nhiều chuyến biển lỗ nặng, nay phải nằm bờ chờ cơ quan chức năng thẩm định, xử lý trong thời gian dài khiến các chủ tàu vỏ thép khốn đốn không chỉ vì gặp khó khăn trong sinh kế, mà còn vì nợ ngân hàng vây bủa, hối thúc.
Sáng 18-6, cầm giấy nhắc nợ tiền lãi tháng 5-2017 do Vietcombank vừa gửi đến, ông Trương Hoài Khánh - chủ tàu BĐ 99279 TS ở TP.Quy Nhơn - không giấu được bức xúc: “Nhận tàu từ xưởng của Công ty Nam Triệu về, tôi đi bảy chuyến biển thì chỉ một chuyến hòa vốn, sáu chuyến lỗ tổng cộng gần 1 tỉ đồng vì lỗi của con tàu như hầm chứa không đủ lạnh, máy móc và thiết bị liên tục hỏng...
Nay tàu nằm bờ cả tháng, ngân hàng đòi nhưng không có tiền trả, nợ quá hạn gần 40 triệu đồng, toàn bộ dư nợ vay 17,7 tỉ đồng để làm chiếc tàu bị thông báo không được cấp bù lãi suất từ đầu tháng 6-2017. Tôi đã kiến nghị việc chiếc tàu bị lỗi là do nhà sản xuất, do đó họ phải chịu mọi thiệt hại đã gây ra cho chúng tôi, nhưng đến nay chưa được cơ quan nào trả lời chính thức”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lý - chủ tàu BĐ 99004 TS ở huyện Phù Mỹ - cho biết sau khi bất thành trong thương lượng đưa tiền cho ngư dân để đi sửa chữa tàu và yêu cầu không khiếu nại về sau, Công ty TNHH một thành viên Đại Nguyên Dương (Nam Định) đã không liên lạc gì nữa.
“Tàu tôi gỉ sét nặng từ vỏ đến boong, cabin, thi công bị lỗi thế nào mà bủa lưới là quấn chân vịt, hư hỏng, mất mấy trăm triệu rồi. Tàu nằm bờ đã hai tháng, tiền vay còn 13,6 tỉ, nợ quá hạn không biết lấy gì trả...” - ông Lý than.
Không chỉ ông Khánh, ông Lý mà nhiều người trong số 18 chủ tàu vỏ thép do hai công ty trên đóng bị hư hỏng cũng gặp khó khăn vì tàu nằm bờ.
Một số người không chờ được, sau khi cơ quan thẩm định kiểm tra xong tàu đã đánh liều đi biển để mưu sinh, nhưng nhiều người khác lại không dám ra khơi với những con tàu đã gỉ sét nặng ở thân và máy chính liên tục trục trặc.
Theo TTO