|
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định nằm bờ. |
Mới đây, Cty ôtô Đông Hải (đơn vị cung cấp máy Doosan chính hãng cho Công ty Nam Triệu) đưa phụ tùng để lắp, thay thế bộ phận bị hư hỏng trên máy tàu cho ngư dân Trần Đình Sơn nhưng ông Sơn không đồng ý, yêu cầu phải thay máy mới. Tuy nhiên theo đại diện công ty này, lỗi là ở ngư dân!
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Thanh Hải – Giám đốc Cty TNHH ôtô Đông Hải, cho biết, đơn vị đã bỏ 100 triệu đồng để vận chuyển gần 1 tấn phụ tùng theo đường máy bay về Việt Nam để lắp nhưng ông Sơn không đồng ý. Theo ông Hải, chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan là thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng.
“Chúng tôi sẽ chứng minh những cái không phải lỗi của hãng máy mà là lỗi của ngư dân. Phía công ty không công bố kết quả mà chỉ đưa chứng cứ cho UBND tỉnh Bình Định để địa phương có kết luận chính thức” - ông Hải nói.
Trong khi đó, ngư dân Trần Đình Sơn - chủ tàu BĐ 99245 tỏ ra bức xúc khi đơn vị cung cấp máy cho rằng lỗi thuộc về ngư dân. Ông Sơn cho rằng đó là cách nói thiếu trung thực. “Nói cái gì cũng phải cho trung thực, ngay thẳng, có lương tâm. Tôi đang chờ phía tỉnh xử lý. Nếu hai bên không thỏa thuận thì tôi trả tàu, kiện ra tòa chứ khổ quá rồi”, ông Sơn bức xúc.
Ông Sơn cho hay tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99245 của ông đóng mới theo Nghị định 67/ CP với số tiền 19,8 tỷ đồng do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng, máy tàu được trang bị là loại máy chính hãng Doosan (Hàn Quốc). Tàu hạ thủy từ tháng 12/2016 đến nay ông chỉ mới đi được 2 chuyến biển thì nằm bờ liên tục do máy hỏng.
Trong một diễn biến khác, ngày 16/6, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết, sáng 15/6, bà Nguyễn Thị Sinh, xưng là vợ ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Cty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát - đơn vị cung cấp máy thủy chính hãng Mitsubishi cho Cty TNHH MTV Nam Triệu đã về địa phương gặp gỡ những ngư dân là chủ tàu các tàu vỏ thép đang hư hỏng để thương lượng. Bà Sinh năn nỉ ngư dân để Cty Hoàng Gia Phát sửa chữa, khắc phục sự cố máy hư hỏng, chứ không thay máy mới như cam kết với lý do công ty không đủ năng lực tài chính.
Tuy nhiên đề nghị này bị cả chính quyền huyện Hoài Nhơn và ngư dân bác bỏ, yêu cầu phải thay máy mới. Trước đó, ngày 9/6 Cty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát có công văn gửi UBND tỉnh Bình Định và các ngành liên quan, cam kết sẽ thay mới toàn bộ máy do công ty này cung cấp để Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 cho ngư dân Bình Định đang bị hư hỏng, thời gian thực hiện từ 1 - 3 tháng.
Tàu của ngư dân Thanh Hóa cũng bị đóng gian dối?
Sáng 15/6, một chiếc tàu vỏ thép mục nát mang biển số của tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tại cảng Quy Nhơn (Bình Định). Thuyền viên trên tàu cho biết đây cũng là tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 đang “lâm bệnh” nặng.
Chiếc tàu mang biển số TH 91645 TS màu sơn xanh, giàn cẩu màu vàng. Tuy nhiên, toàn bộ tàu đều đang chuyển sang màu sắt gỉ đỏ và có những chỗ bị mục nát nặng, đó là các phần be tàu, sàn tàu và các điểm tiếp giáp.
Một ngư dân trên tàu cho rằng, báo chí lên án tàu Nghị định 67 ở nhiều nơi mục nát, nhưng tàu ở Thanh Hóa hư hỏng nặng hơn cũng không thấy ai quan tâm nói gì, bởi có thể chủ tàu và nhà máy “ăn rơ” hút hết vốn Nhà nước. Con tàu này nếu đi thêm một năm nữa có thể gãy đôi vì sắt bị mủn rất nặng.
Qua tìm hiểu được biết, chủ tàu là ông Trương Đình Sòng, quê ở thôn Thành Xuân huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tàu hạ thủy và đi vào hoạt động từ tháng 10/2016, nhưng chỉ sau gần 8 tháng hoạt động đã bị mục nát. Con tàu này được Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) thi công. Tàu có chiều dài 30,8m, rộng 7,8m, cao 3,9m, công suất 822 mã lực, tổng vốn đầu tư 15 tỷ 600 triệu đồng.
Trong một diễn biến liên quan, trả lời PV, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, Sở đã thành lập tổ giám định có mời Công ty TNHH Giám định Vinacontrol (TP.HCM) tham gia để tiến hành giám định 17 chiếc tàu bị hỏng máy, thép mục nát.
Về máy thủy của các tàu bị hư hỏng và có dấu hiệu đáng ngờ, ông Hổ cho biết, đoàn đã kiểm tra số CO, CQ, sê-ri và đang xác định lại là đúng máy Mitsubishi Nhật Bản hay không, có phải máy mới không, có đồng bộ không.
Vừa qua, một chuyên gia người Nhật và một nhân viên đại lý đã về đây. Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi hãng Mitsubishi (đại lý ở Singapore) và đang chờ câu trả lời chính thức của đơn vị này bằng văn bản.
Theo Tiền Phong