Xếp hàng mua cơm nắm tại 7-Eleven: Doanh nghiệp Việt thua xa?

Thứ sáu, 16/06/2017, 18:57
Theo chuyên gia, 7-Eleven vào Việt Nam không hề vội vã. Trước đó, họ đã nghiên cứu rất kỹ thị trường và gu tiêu dùng của người Việt Nam.

Nhập gia tùy tục

Ngày 15/6, cửa hàng tiện ích 7-Eleven đầu tiên đã được khai trương tại TP.HCM. Hàng trăm người kiên nhẫn xếp hàng mua những món ăn vặt quen thuộc được bán trong cửa hàng, từ trứng vịt lộn đến bánh mỳ, cơm nắm, phở, chè... cùng thức uống Slurpee độc quyền.

Cùng các loại thức ăn, thức uống, 7-Eleven còn bán những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác.

Đánh giá về cách tiếp cận của 7-Eleven với thị trường Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, đây là cách làm thông minh, nhập gia tùy tục của 7-Eleven.

Nhiều người kiên nhẫn xếp hàng chờ mua đồ ăn vặt trong cửa hàng 7-Eleven TP.HCM. Ảnh: 7-Eleven

"7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện ích cực kỳ chuyên nghiệp của Nhật Bản, họ đã phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và giờ tiến hành xâm nhập thị trường Việt Nam.

Việc hàng trăm người xếp hàng mua các món ăn quen thuộc, có thể thấy ở vỉa hè trong cửa hàng 7-Eleven trước hết là do tính hiếu kỳ của người Việt.

Mặt khác, cùng một nguyên liệu nhưng cách chế biến của họ ngon hơn, hấp dẫn hơn với bí quyết riêng.

Nhập gia tùy tục, 7-Eleven vào Việt Nam không hề vội vã. Họ nghiên cứu rất kỹ thị trường và gu tiêu dùng của Việt Nam.

Đặc biệt, đây là cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24h, trong khi siêu thị Việt Nam 9h30-10h tối là đóng cửa.

Rõ ràng, 7-Eleven rất hiểu tâm lý người tiêu dùng. Tôi được biết 7-Eleven sẽ tập trung vào nhóm hàng bếp và thực phẩm, mà đó là cái động chạm hàng ngày của bà nội trợ và gia đình Việt Nam", ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Vị chuyên gia về thị trường bán lẻ cho hay, đối với mỗi thị trường, 7-Eleven lại có một phong cách riêng. Chẳng hạn, ở Mỹ, 7-Eleven đặt cửa hàng tại các trạm xăng, bán nước có gas, kẹo, thuốc lá, các loại snack... để khách có thể dùng nhanh trong lúc chờ bơm xăng.

Tương tự, ở Hàn Quốc, họ bán kim chi và các mặt hàng tiêu dùng khác.

Chính vì thế, ông Phú dự báo, nếu 7-Eleven trường vốn, làm ăn tử tế, họ sẽ thắng lợi và cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.

"Bài học rút ra ở đây là phải nghiên cứu rất kỹ thị trường từng nước khi xâm nhập. 7-Eleven sớm phù hợp với Việt Nam, nắm bắt được gu tiêu dùng Việt Nam và sẽ giữ được chân khách hàng Việt Nam.

Các siêu thị Việt Nam không bắt chước được điều này, không có bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), chỉ làm theo kiểu đến đâu biết đến đấy, theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Cứ giữ cách làm ấy, các doanh nghiệp trong nước sẽ chết", ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Nhân nói về cái khéo, cái tinh tế của người Nhật, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội lại đề cao sự cầu thị, bài bản và trách nhiệm của người Nhật. Chủ một doanh nghiệp Nhật từng tìm đến ông Phú để xin tư vấn về thị trường bán lẻ Việt Nam.

Hay tại Nhật Bản, ngay cả mớ mùi cho lái xe cũng dán tem mã vạch để người bán chịu trách nhiệm khi cần. Người Nhật đã xây dựng được nếp đó hàng trăm năm nay.

"Giống như vết dầu loang, những doanh nghiệp ngoại như 7-Eleven sẽ xâm nhập thị trường và thực tế Việt Nam đang mất dần thị phần bán lẻ. Người tiêu dùng sẽ tìm đến các cửa hàng tiện ích như 7-Eleven để mua từ hộp sữa đến cân đường, trong khi các chợ, hàng xén... thì ế chỏng.

Hiện nay hàng tiêu dùng nhanh phát triển với tốc độ nhanh nhất (khoảng 12%), trong khi bán lẻ chỉ tăng 6-7%, theo một số liệu thống kê", ông Phú nhận định.

Hãy đứng cùng vạch xuất phát

Hoan nghênh sự có mặt của những thương hiệu ngoại như 7-Eleven vào Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, những doanh nghiệp đó càng vào thì người tiêu dùng Việt Nam càng được lợi.

Cái chính là doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước đều phải đứng cùng vạch xuất phát, khi ấy ai làm ăn giỏi, tử tế sẽ nổi lên.

"Đây là một cuộc cách mạng trong quản lý, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng, tạo nền thương mại công bằng. Đừng phân biệt đối xử nước trong, nước ngoài, thay vào đó hãy nêu cao tinh thần minh bạch và cạnh tranh.

Còn ai trốn thuế, chuyển giá cứ xử, bất kể trong nước, ngoài nước. Đó là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, từ cơ quan thuế đến quản lý thị trường...

Nên nhớ rằng, 7-Eleven hay các nhà bán lẻ ngoại khác chỉ sức ép cạnh tranh, còn tự doanh nghiệp Việt hại nhau tới 70%.

Ở Việt Nam có tình trạng đèn nhà ai nhà nấy rạng. Câu chuyện về giá thịt lợn là một ví dụ. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã bán thịt với giá chỉ 35.000 đồng/kg, nhưng các siêu thị vẫn bán 80.000-90.000 đồng/kg, thậm chí có siêu thị vẫn kêu lỗ. Tôi không hiểu họ lỗ thế nào? Ấy là chuyện doanh nghiệp Việt Nam thiếu sự chia sẻ, không có thần kinh nhạy cảm cộng đồng, chỉ thấy lợi nhuận trước mắt", ông Phú chỉ rõ.

Vị chuyên gia kiến nghị, hiện nay các cửa hàng tự chọn chưa có quy chế quản lý. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đối với cửa hàng tự chọn của doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài cần phải xây dựng quy chế, quy định giống như siêu thị, trung tâm thương mại.

"Nếu không làm được việc này, chất lượng hàng hóa, giá cả, trách nhiệm với người tiêu dùng sẽ bị buông lỏng", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn