Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí, dù chưa chính thức thừa nhận việc quay trở lại Sacombank, nhưng ông Đặng Văn Thành cho biết đã chuẩn bị sẵn kế hoạch. Ông giải thích vì nhiều đồng nghiệp quan tâm việc trở lại ngân hàng để tiếp tục con đường trong ngành tài chính, nên ông cũng trong tinh thần chuẩn bị.
“Tôi vẫn không hề dấu diếm ý định này, nhưng tôi chỉ trở lại vào một thời điểm thích hợp, thời điểm mà tôi cảm thấy hưng phấn nhất. Nói gì thì nói, nghề ngân hàng vẫn còn nằm trong máu, và tôi vẫn dành hết tình yêu cho lĩnh vực này", ông Đặng Văn Thành chia sẻ.
Ông Đặng Văn Thành đã lên kế hoạch tái cấu trúc Sacombank. Ảnh: NCĐT |
Chủ cũ của sacombank nói thêm: "Tôi đã rời khỏi Sacombank cũng được 5 năm, đến nay ngân hàng này cũng cần phải tái cấu trúc lại. Trên cương vị là người khai sinh ra nó, tôi cảm thấy hết sức nhức nhối và cho rằng mình cần phải quan tâm đến tổ chức này hơn”.
Ông cũng chia sẻ thẳng thắn việc tái cấu trúc Sacombank hiện nay là hệ quả của việc M&A không chuyên nghiệp 5 năm về trước. Đến nay Sacombank rất cần một tổ chức nào đó để tái cấu trúc. Và với trách nhiệm của người đi với Sacombank suốt 20 năm thì ông sẵn sàng ủng hộ, nếu đó là điều tích cực.
Ông cho rằng bản thân cũng liên tục làm việc với một số định chế tài chính nước ngoài, để trao đổi với họ thông tin và kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng như thế nào. Điều quan trọng đầu tiên là được cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý. Tiếp đó là phải tìm được đối tác quan tâm, yêu mến ngân hàng thì tính khả thi mới cao.
Theo tính toán của ông Thành, khi tái cấu trúc thì tối thiểu phải tăng vốn lên 1 tỷ USD, và ông đã gửi kế hoạch này cho cơ quan quản lý. Còn những thông tin còn lại ông nói mình vẫn chưa thể chia sẻ thêm.
Cách đây một năm, trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, ông Thành cho rằng trở lại ngân hàng vì nhận thấy được sự chuyển động tích cực của thị trường, trong bối cảnh thị trường tài chính đóng góp rất tích cực cho nền kinh tế. Ngoài ra, việc tái cấu trúc ngân hàng đang được quan tâm.
Không chỉ riêng ông mà những người yêu ngân hàng, có nghề với ngân hàng thì nên tham gia vào quá trình tái cấu trúc này.
Người có kinh nghiệm lâu năm với ngành ngân hàng khẳng định: "Ngành ngân hàng đóng vai trò vô cùng thiết thực cho nền kinh tế. Người làm ngân hàng tạo ra được rất nhiều giá trị. Tôi và những người bạn của tôi sẵn sàng trở lại", ông Thành chia sẻ thời điểm đó.
Giới quan sát nhận định, trong hơn 5 năm qua cho dù cuộc chiến tại Sacombank diễn ra sôi sục giữa ông Đặng Văn Thành, ông Trầm Bê và một số nhân vật khác, nhưng dường như không ai đủ khả năng để lèo lái con tàu này.
Vấn đề mà Sacombank gặp phải chính là số nợ xấu gắn với hàng loạt các tài sản bất động sản thế chấp cần xử lý. Người có thể gỡ được điểm tắc duy nhất tại Sacombank cần phải có đủ kinh nghiệm trong cả 2 lĩnh vực lớn: tài chính ngân hàng và bất động sản, và phải có tiềm lực tài chính mạnh.
Gần đây, giới ngân hàng đã có nhiều đồn đoán về chuyện ông chủ Him Lam Dương Công Minh “bắt tay” với ông trùm mía đường Đặng Văn Thành trong việc tham gia tái cơ cấu Sacombank.
Cái bắt tay giữa 2 đại gia này dù mới chỉ thông qua Sacomreal, nhưng đã mang lại hy vọng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc Sacombank nhanh và thành công hơn. Trong đó, điểm cốt yếu chính là việc xử lý nợ xấu của Sacombank, với khối tài sản đảm bảo là bất động sản rất lớn. Bất động sản chính là lợi thế của ông Dương Công Minh, và cũng là lĩnh vực chính mà Sacomreal hoạt động.
Ông Đặng Văn Thành là người sáng lập Sacombank với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Tới khi chuyển giao sau khi bị thâu tóm năm 2012, mạng lưới của ngân hàng này là 417 chi nhánh, hoạt động ở 3 quốc gia và có 9 công ty con trong nhiều lĩnh vực. Vốn điều lệ lúc đó đã lên tới 10.000 tỷ, tổng tài sản là 146.000 tỷ và lợi nhuận hàng năm cũng đạt khoảng 4.000 tỷ.
Sau khi bị thâu tóm, Sacombank có dấu hiệu xuống dốc nhanh chóng với mức doanh thu năm 2016 là 5.119 tỷ đồng và lợi nhuận 373 tỷ đồng. Đầu năm 2017, NHNN thông báo đưa Sacombank, DongABank cùng với 3 ngân hàng “0 đồng” vào diện tái cơ cấu và tập trung xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Giá trị nợ xấu nội bảng của nhà băng này là 13.745 tỷ đồng, tương đương 6,9% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu cộng cả số đã bán cho VAMC và một số khoản phải thu xấu từ Southernbank thì ước tổng giá trị nợ xấu tại nhà băng này lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng.
Theo Zing