Ai sẽ ngồi ghế nóng Sacombank?

Thứ sáu, 16/06/2017, 09:07
Sau nhiều lần hoãn tổ chức ĐHĐCĐ, đến nay, hơn nửa năm kể từ khi bị NHNN đưa vào diện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, Sacombank vẫn chưa thể tìm được "thuyền trưởng".

Tình hình nhân sự tại Sacombank đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi những ứng cử viên HĐQT và ban kiểm soát (BKS) nhiệm ký mới lần lượt rút lui, nhiều tin đồn xoay quanh chiếc ghế nóng với 60.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ thuộc về ai.

Ghế nóng với 60.000 tỷ đồng nợ xấu

Đầu năm 2017, thông tin khiến dư luận và giới đầu tư tài chính đặc biệt quan tâm chính là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo đưa Sacombank, DongABank cùng với 3 ngân hàng “0 đồng” vào diện tái cơ cấu và tập trung xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh việc nhà đầu tư nào sẽ được chọn để cùng NHNN tái cơ cấu Sacombank thì vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay chính là "thuyền trưởng" chèo lái con thuyền Sacombank giai đoạn 2017-2021 là ai.

Hơn nửa năm tài chính 2017 đã trôi qua nhưng Sacombank vẫn chưa thể ổn định nhân sự để tiến hành tái cơ cấu theo đề án của NHNN. Ảnh minh họa: Zing.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Sacombank, tính đến 31/12/2016, giá trị nợ xấu nội bảng của nhà băng này là 13.745 tỷ đồng, tương đương 6,9% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu cộng cả số đã bán cho VAMC và một số khoản phải thu xấu từ Southernbank thì ước tổng giá trị nợ xấu tại nhà băng này lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, các khoản dự thu lãi cũng đang được khoanh vùng và được NHNN chấp thuận phân bổ trong các năm tới là 20.387 tỷ đồng.

Có thể thấy, dù ai trở thành lãnh đạo tại Sacombank cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn đầu tiên và cũng là khó khăn lớn nhất, là 60.000 tỷ đồng nợ xấu tại nhà băng này.

Ông Dương Công Minh sẽ là Chủ tịch Sacombank?

Ngày 24/2, NHNN ban hành Quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank, theo lộ trình và các giải pháp thực hiện Phương án tái cơ cấu Sacombank đã được Thủ tướng chấp thuận.

Hội đồng quản trị Sacombank giảm từ 9 thành viên xuống 7 thành viên và không còn ai thuộc gia đình ông Trầm Bê trong bộ máy.

Theo dự kiến ban đầu, ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Sacombank sẽ được tổ chức vào ngày 28/4, để chọn ra HĐQT và Ban kiểm soát mới điều hành nhà băng trong giai đoạn tiếp theo.

Cùng thời điểm, nhà băng này công bố HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ có 7 thành viên và 1 thành viên độc lập; Ban kiểm soát cũng sẽ tăng từ 3 lên 4 thành viên.

Theo nhận định của giới quan sát, trong bất kỳ điều kiện nào cũng phải có đại diện NHNN trong Hội đồng quản trị Sacombank.

Trong khi đó, các nhóm nhà đầu tư mới đều mong muốn nắm quyền kiểm soát tại nhà băng này. Không loại trừ khả năng những nhà đầu tư này tham gia tái cơ cấu Sacombank để chuyển nhượng lại khoản đầu tư khi chúng đã sinh lời.

Khi thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2017 đến gần, nhà băng này bất ngờ thông báo tạm hoãn tổ chức đến cuối tháng 5. Nguyên nhân được đưa ra do công tác chuẩn bị về nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới chưa hoàn thiện.

Một số nội dung là tài liệu phục vụ cũng chưa hoàn tất, nên tại phiên họp ngày 20/4, HĐQT Sacombank đã thống nhất tạm hoãn ĐHĐCĐ thường niên.

Cuối tháng 4, Sacombank khiến dư luận bất ngờ khi công bố danh sách ứng viên tham gia HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới.

Bên cạnh những cái tên quen thuộc đang là lãnh đạo tại đây, danh sách ứng viên mới xuất hiện 2 nhân vật tới từ Ngân hàng Liên Việt, là ông Nguyễn Đức Hưởng, thời điểm đó là Phó chủ tịch thường trực LienVietPostBank và bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Tổng giám đốc Chứng khoán Liên Việt.

Ngoài ra, còn 2 cái tên là lãnh đạo đến từ Vietcombank.

Nợ xấu tăng cao chính là nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận 2 năm 2015-2016 của Sacombank tụt dốc. Đồ họa: Quang Thắng.

Khi nhiều người đã hình dung ra bộ máy lãnh đạo tại Sacombank thì một lần nữa nhà băng này lại thông báo không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, với lý cũ: Do nhân sự và một số tài liệu đại hội chưa hoàn tất.

Sacombank thêm một lần lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên đến ngày 30/6.

Sau thông báo lùi ĐHĐCĐ lần thứ 2, nhà băng này tiếp tục thông báo về việc ông Nguyễn Đức Hưởng đã rút khỏi danh sách ứng cử viên HĐQT. Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Bích Hồng cũng ra khỏi danh sách ứng cử viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 theo nguyện vọng cá nhân.

Ông Hưởng sau đó trở về LienVietPostBank và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch nhà băng này thay thế cho ông Dương Công Minh, người cũng được phê duyệt miễn nhiệm cùng thời điểm.

Hiện nay, đang xuất hiện thông tin người ngồi vào ghế nóng tại Sacombank chính là ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Him Lam. Thông tin này cho rằng ông Minh thôi chức Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank là sang làm Chủ tịch HĐQT Sacombank, để tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.

HĐQT của Sacombank đã có nhóm họp về việc bổ sung thêm 2 ứng viên thay thế 2 người vừa rút lui. Trong số ứng viên được giới thiệu, xuất hiện cái tên quen thuộc, là ông Dương Công Minh.

Trao đổi với Zing.vn, đại diên Sacombank cho biết hiện ngân hàng chưa có công bố nào chính thức về nhân sự. Những thông tin trên thị trường chỉ là đồn đoán.

"Vấn đề nhân sự là chuyện quan trọng, khi có thông tin chính thức ngân hàng sẽ công bố công khai", vị này cho biết.

Ngày 30/6, thời điểm Sacombank thông báo tổ chức ĐHĐCĐ thường niên đang đến gần. Khi đó cũng là lúc danh tính vị Chủ tịch ngồi vào ghế nóng của ngân hàng đang có 60.000 tỷ đồng nợ xấu này sẽ lộ diện.

Theo Zing

Các tin cũ hơn