Mức lương bình quân các phi công của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines năm 2016 đã tăng gần 5% so với 2015, lên 115,3 triệu đồng mỗi tháng, xấp xỉ 1,4 tỷ đồng/năm.
Năm 2015, lương bình quân mỗi phi công của hãng này nhận là hơn 110 triệu đồng/tháng, tương đương 1,32 tỷ đồng năm.
Lương bình quân của phi công Vietnam Airlines tăng khá mạnh trong năm 2016 nhưng mức tăng lại thấp hơn các vị trí khác tại hãng này. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng lương chung của các vị trí công tác khác tại hãng thì mức tăng lương phi công tương đối thấp.
Cụ thể, trong khi lương bình quân phi công năm qua chỉ tăng gần 5% thì tốc độ tăng lương của vị trí tiếp viên hàng không Vietnam Airlines lên tới 11%. Lương bình quân cán bộ, nhân viên (trừ Hội đồng quản trị và Ban giám đốc) cũng tăng gần 13%.
Tính đến hết năm 2016, tổng số lao động của hãng hàng không nội địa số 1 tại Việt Nam là 6.199 người, thấp hơn kế hoạch đề ra trước đó là 6.311 người.
Năm qua, Vietnam Airlines chi quỹ tiền lương lên tới 2.706 tỷ đồng, tăng 5,6% so với kế hoạch năm.
Lương bình quân của phi công cao gấp nhiều lần các vị trí khác. Đồ họa: Quang Thắng. |
Hãng hàng không này cho biết việc chi trả quỹ lương của doanh nghiệp được thực hiện theo kế hoạch trước đó đã đề ra trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016.
Năm qua, Vietnam Airlines ghi nhận số lãi cao kỷ lục từ trước đến nay, đạt 2.105 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2015.
Nhờ kết quả kinh doanh tăng mạnh mà tiền lương bình quân của người lao động tăng so với cùng kỳ năm trước. Năm 2015, tiền lương bình quân của nhân viên hãng này tăng 12-28%.
Cụ thể, ngoài lương bình quân của phi công tăng lên 115,3 triệu đồng/tháng thì lương tiếp viên hàng không tăng từ 23 triệu đồng/tháng lên 25,5 triệu đồng/tháng, tương đương 306 triệu đồng năm.
Lương cán bộ, nhân viên (trừ Hội đồng quản trị và Ban giám đốc) bình quân năm qua cũng đạt 19,4 triệu đồng/tháng, tương đương 233 triệu đồng/năm, tăng 12,8% so với năm 2015 là 17,2 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, hãng Vietjet Air không phân bổ cụ thể lương theo công việc như phi công, tiếp viên hay cán bộ, nhân viên… như Vietnam Airline, nhưng mức thu nhập bình quân của người lao động năm qua cũng khoảng 46,2 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 554 triệu đồng/năm.
Theo báo cáo, thu nhập của người lao động được tính gồm tiền lương, thưởng, tiền ca, độc hại.
Năm 2016, Vietnam Airlines ghi nhận mức lãi ròng cao kỷ lục từ khi thành lập đến nay, đạt 2.105 tỷ đồng. Đồ họa: Quang Thắng. |
Năm 2016, Vietnam Airlines cũng chi hơn 7,1 tỷ đồng thù lao cho Hội đồng quản trị chuyên trách. Một thành viên HĐQT kiêm nhiệm được nhận thêm thù lao gần 340 triệu đồng/năm.
Tổng quỹ tiền lương, thù lao cho HĐQT trong năm qua của hãng đạt gần 7,5 tỷ đồng, trong đó đã gồm lương, thù lao tăng thêm do lợi nhuận vượt 9% so với kế hoạch.
Thù lao chi trả cho các thành viên Ban kiểm soát năm 2016 cũng tăng 18% so với kế hoạch, do lợi nhuận vượt kế hoạch.
Cụ thể, ông Lại Hữu Phước – Trưởng Ban kiểm soát được trả 327 triệu đồng/năm, 2 vị trí thành viên còn lại cùng nhận mức thù lao 204,4 triệu đồng năm qua.
Theo Vietnam Airlines, việc tăng lương thực hiện trên cơ sở năng suất lao động theo số lượng khách luân chuyển và số ghế luân chuyển của hãng năm vừa qua đều tăng mạnh trên 13% so với thực hiện năm trước.
Tuy nhiên, năm qua hãng này hạn chế tuyển lao động mới, thực hiện tổ chức lại lao động, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn lực, dẫn tới thu nhập của người lao động được cải thiện.
Theo Zing