Sacombank biến động ra sao từ khi vào đề án tái cơ cấu?

Thứ ba, 13/06/2017, 10:47
Việc bị xét vào diện tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu cùng 4 nhà băng khác lại khiến cổ phiếu STB hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Cuối năm 2014, tổng tài sản của Sacombank xấp xỉ 190.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay khoảng 126.600 tỷ đồng, trong đó nợ xấu nội bảng chỉ khoảng 1.523 tỷ đồng, tương đương 1,2% tổng dư nợ.

Đến cuối năm 2015, sau khi sáp nhập với Southernbank, trong khi tổng tài sản tăng thêm 54%, dư nợ tăng 45% thì khối lượng nợ xấu của nhà băng này đã tăng hơn 7 lần, lên tới 10.778 tỷ đồng. Đặc biệt, tới gần 8.000 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn.

Ngày 4/1, tại buổi họp báo thông tin về tình hình hoạt động năm 2016 và định hướng điều hành 2017 diễn ra tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Văn Hưng - Thanh tra giám sát NHNN, đã cho biết 2 nhà băng Sacombank và DongABank sẽ cùng với 3 ngân hàng “0 đồng” là CBBank, OceanBank và GPBank nằm trong đề án tái cơ cấu, tập trung xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của NHNN.

Ai cũng hiểu nguyên nhân dẫn đến khó khăn của Sacombank hiện nay là hậu quả của việc sáp nhập Southernbank.

Thông tin khi xuất hiện đã khiến dư luận hoang mang về số phận của Sacombank, khi nhà băng này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do nợ xấu từ Southernbank chuyển sang. Thế nhưng, điều bất ngờ là việc bị NHNN đưa vào đề án tái cơ cấu và tập trung xử lý nợ xấu lại không khiến Sacombank khó khăn, thậm chí giúp nhà băng này trở nên giá trị hơn trong mắt giới đầu tư.

Trên sàn chứng khoán, hồi đầu năm, cổ phiếu STB của Sacombank chỉ được giao dịch với giá dưới 9.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều giá trị sổ sách của mã này, khối lượng giao dịch mỗi phiên cũng khá khiêm tốn.

Tuy nhiên, sau hàng loạt thông tin liên quan tới việc tái cơ cấu được công bố, thị giá STB tăng nhanh. Tính đến nay, thị giá STB đã tăng xấp xỉ 60% so với đầu năm, hiện được giao dịch gần 14.000 đồng/cổ phiếu.

Từ đầu năm 2017 đến nay, thị giá cổ phiếu STB đã tăng xấp xỉ 60%. Đồ họa: Quang Thắng.

Một điểm đáng chú ý hơn là khối lượng giao dịch mã cổ phiếu này tại mỗi phiên cũng tăng mạnh, và hầu hết là giao dịch mua vào.

Ở một động thái cùng chiều, từ đầu năm đến nay, các lãnh đạo của nhà băng này liên tục mua gom cổ phiếu, khiến giới đầu tư sôi sục.

Tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của cổ phiếu STB đạt tới 64,5 tỷ đồng. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 5/6 vừa qua, cổ phiếu STB có giao dịch thỏa thuận đột biến lên tới 25,49 triệu cổ phiếu, tương đương 327,56 tỷ đồng. Thanh khoản STB ở những phiên sau đó cũng tăng vọt, khớp trên 13,5 triệu cổ phiếu trong phiên.

Không chỉ hấp dẫn trên sàn chứng khoán, Sacombank còn sáng hơn trong mắt giới đầu tư tài chính.

Kể từ khi có thông tin tái cơ cấu Sacombank, hàng loạt nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đã gửi đề án xin tham gia tái cơ cấu Sacombank. Trong đó phải kể tới liên doanh Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành - cha đẻ của Sacombank - muốn quay lại.

Nhóm nhà đầu tư này đã đệ đơn xin NHNN được tham gia với cam kết bổ sung thêm 20.600 tỷ đồng tiền vốn điều lệ, qua đó biến Sacombank trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống ngân hàng, với hơn 38.000 tỷ đồng.

Không chỉ nhóm nhà đầu tư ông Thành quan tâm tới Sacombank, cả đại gia bất động sản như NovaGroup cũng muốn chen chân tham gia tái cấu trúc nhà băng này, với đề xuất mua 20% vốn cổ phần với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tương đương gần 5.500 tỷ đồng vốn đầu tư.

Bên cạnh nhộn nhịp các nhà đầu tư quan tâm tới việc tái cơ cấu, hàng loạt các lãnh đạo cấp cao từ các ngân hàng như Vietcombank, LienVietPostBank… cũng ứng cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 của Sacombank.

Tuy nhiên, đến nay, đề án tái cơ cấu Sacombank của các nhóm nhà đầu tư vẫn chưa được NHNN chấp thuận. Sau NovaGroup, những ứng viên HĐQT cũng lần lượt xin rút lui, khiến Sacombank chưa thể ổn định bộ máy lãnh đạo để tái cấu trúc theo đề án của NHNN.

Theo Zing

Các tin cũ hơn