Tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ, không phải thay máy mới là xong

Thứ hai, 12/06/2017, 08:43
Cả chủ tàu cũng như lãnh đạo chính quyền đều cho rằng phải xem xét trách nhiệm của nhà cung cấp máy lẫn nhà máy trong vụ việc một số tàu vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng.  

Tổ thẩm định độc lập kiểm tra máy tàu vỏ thép của ngư dân do Công ty Nam Triệu đóng

Đến chiều 11-6, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết có nhận được văn bản của Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (TP.HCM, gọi tắt là Công ty Hoàng Gia Phát) cam kết sẽ thay toàn bộ máy thủy mới chính hãng Mitsubishi cho 10 con tàu vỏ thép của ngư dân địa phương.

Phát ngôn bất nhất

Theo văn bản trên, ông Lê Hoàng Phong - giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát - cho biết có ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (thuộc Bộ Công an, gọi tắt là Công ty Nam Triệu) cung cấp động cơ máy chính cho tàu thủy gồm 4 máy model S6R2-MPTA công suất 940 HP và 6 máy model S6R-MPTA công suất 811 HP.

“Khi đưa vào sử dụng thì chúng tôi mới biết loại máy này không phù hợp với tàu cá của ngư dân. Với trách nhiệm là đơn vị cung cấp máy, tôi cam kết chịu trách nhiệm thay lại toàn bộ máy tàu thủy mới chính hãng Mitsubishi cho các tàu đã lắp đặt máy của đơn vị chúng tôi, tàu do Công ty Nam Triệu thi công, trong thời gian từ 1-3 tháng” - văn bản do giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát cam kết.

Điều này hoàn toàn ngược lại với những ngôn từ đầy tự tin và mang vẻ thách thức của chính ông Lê Hoàng Phong phát biểu tại cuộc họp chiều 10-5 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức: “Tôi cam kết là máy Mitsubishi mới 100%, không máy cũ nào hết. Nếu các anh không đồng ý, cứ xuống thẩm định lại một lần nữa. Đơn vị nào thẩm định thì bắt buộc phải đầy đủ chứng từ”. Trong cuộc họp này, thượng tá Bùi Hữu Hùng - phó tổng giám đốc Công ty Nam Triệu - giới thiệu công ty ông Phong “được hãng Mitsubishi cho làm đại lý tại VN”.

Tuy nhiên, ngày 9-6, đoàn của Mitsubishi đến tận nơi, kiểm tra, phát hiện và công bố 8 máy tàu mang nhãn hiệu Mitsubishi trên những chiếc tàu của Công ty Nam Triệu đóng có dấu hiệu cải hoán, không phải là máy thủy như chính hãng phân phối dù mang model của máy thủy hãng Mitsubishi.

Mitsubishi khẳng định Công ty Hoàng Gia Phát không phải là đại lý phân phối tại VN. Ngay trong ngày ông Phong mới vội ký văn bản nêu trên.

Trao đổi với PV ngày 
11-6, đại tá Đặng Ngọc Oanh - tổng giám đốc Công ty Nam Triệu - nói: “Chúng tôi không sản xuất được máy nên ký hợp đồng mua máy chính hãng, mới 100% với Công ty Hoàng Gia Phát và trước khi lắp vào tàu thì đều được cơ quan đăng kiểm của Tổng cục Thủy sản kiểm tra. Giờ xảy ra thế này, chúng tôi mang tiếng quá! Hôm kết thúc hội nghị đóng tàu theo nghị định 67 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Bình Định ngày 9-6, chúng tôi giữ ông ấy (ông Lê Hoàng Phong) lại, tôi bảo ông mà không khắc phục ngay thì công an sẽ bắt ông vì ông bán đồ cho tôi là đồ dỏm, đồ đểu. Ông ấy nói ông ấy sẽ khắc phục, sẽ đền và xin trong 3 tháng sẽ thay máy mới hết”.

Có dấu hiệu lừa đảo

Ông Lê Minh Xuân - giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Tân Trung Thịnh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), một trong hai đại lý phân phối ủy quyền máy thủy Mitsubishi tại VN - cho biết sáng 11-6, đại diện Công ty Hoàng Gia Phát đã đến đàm phán và dự kiến ngày 12-6 sẽ ký hợp đồng để mua 10 máy thủy Mitsubishi chính hãng. “Tôi cam kết tuần tới sẽ giao 1 máy công suất 940 PS, 3 máy cùng công suất còn lại sẽ giao trong vòng 60 ngày, còn 6 máy công suất 811 PS sẽ giao trong vòng 30 ngày” - ông Xuân cho hay.

Nhận được thông tin trên, các ngư dân có tàu vỏ thép lắp máy Mitsubishi do Công ty Hoàng Gia Phát cung cấp có chút phấn khởi, nhưng cũng không giấu được nỗi uất ức.

Ông Nguyễn Công Đồng, chủ tàu BĐ 99047 TS ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), là người “cãi tay đôi” với ông Phong tại hội nghị ngày 10-5, cho biết: “Thay máy tàu là đương nhiên và bắt buộc rồi, vì họ lắp ráp máy không đúng như hợp đồng, chưa kể có thể là hàng kém chất lượng, không chính hãng. Họ lừa dối chúng tôi, nói là máy mới. Vậy mà ông Phong cứ đổ là dân không biết vận hành nên làm hư hỏng máy. Ông ấy thách thức kinh quá. "

"Thay máy chưa phải là xong, tôi đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý trách nhiệm của ông Phong về sự gian dối, coi tài sản và tính mạng ngư dân không ra gì khi cung cấp cái máy như vậy. Bây giờ tàu chúng tôi nằm bờ mãi thế này, không làm ăn được mà ngân hàng đòi nợ hằng ngày. Tôi yêu cầu Công ty Nam Triệu và Công ty Hoàng Gia Phát phải bồi thường mọi thiệt hại cho chúng tôi” - ông Đồng nói.

Trong khi đó, ngư dân Trương Hoài Khánh, chủ tàu BĐ 99279TS, chua chát: “Ngư dân nhìn làm sao biết máy mới hay máy cũ, nhưng cơ quan chuyên môn có trình độ và trách nhiệm là cơ quan đăng kiểm thì sao lại cho qua những cái máy như vậy”.

Đồng tình với ngư dân, ông Hà Ngọc Tân - phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) - nói: “Công ty Hoàng Gia Phát chỉ chịu khắc phục hậu quả sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc và có sự khẳng định từ phía Mitsubishi, còn trước đó thì họ luôn nói họ cung cấp máy hàng hiệu, mới hoàn toàn. Tôi thấy việc này có dấu hiệu lừa đảo, nên dù công ty trên có khắc phục thì chỉ là tình tiết để xem xét giảm nhẹ thôi, còn vẫn phải xử lý trách nhiệm”.

Trao đổi với PV, ông Trần Châu cho biết phải chờ kết quả của tổ thẩm định độc lập do UBND tỉnh thành lập và kết luận chỉ đạo xử lý vụ việc của UBND tỉnh thì việc thay máy mới cho tàu của ngư dân mới được thực hiện.

Ông Châu cũng nói hai công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương phải trả lại cho ngư dân một con tàu đúng nghĩa theo nghị định 67, để dân an tâm ra khơi làm ăn, giữ biển đảo Tổ quốc. “Nghĩa là lắp máy không đúng thì tháo ra thay máy mới, chính hãng; làm thép Trung Quốc thì tháo ra, thay thép Hàn Quốc hay Nhật Bản như trong hợp đồng. Trang thiết bị hàng hải, ngư cụ không đúng cũng phải trả lại đúng cho dân” - ông Châu khẳng định.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích