Người Việt phí cơ hội làm giàu với Trung Quốc: Vì đâu?

Thứ hai, 12/06/2017, 09:22
Việt Nam có nhiều lợi thế để làm ăn chính ngạch và làm giàu với Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay chúng ta lại đang nhập siêu từ quốc gia này.

Nghịch lý nhập siêu từ Trung Quốc

Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc Việt Nam chưa thật sự làm ăn bài bản theo con đường chính ngạch với Trung Quốc dù nước này có nhu cầu rất lớn, TS, Luật sư Bùi Quang Tín, Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM thừa nhận đây là vấn đề cần phải lưu tâm và tập trung mọi biện pháp để giải quyết trong thời gian tới.

Theo TS Tín, do Việt Nam và Trung Quốc gần nhau nên thổ nhưỡng cũng như thị hiếu, nhu cầu thị trường tương đối giống nhau. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam phù hợp với khẩu vị của người Trung Quốc.

Tuy nhiên điều TS Tín thấy bất hợp lý thời gian qua, đó là chúng ta không tận dụng được cơ hội đó để nâng cao giá trị thương mại giữa 2 quốc gia. Các giao dịch phần lớn dừng lại ở con đường tiểu ngạch. Hình thức chính ngạch có xuất hiện nhưng không phải phổ biến. Trong khi đó, tình trạng nhập siêu các hàng hóa từ thị trường Trung Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

“Đây là một vấn đề hết sức đáng lo nếu chúng ta không có những điều chỉnh thích hợp để nâng cao giá trị thương mại. Việt Nam sẽ cực kỳ bất lợi. Khi đó nguồn ngoại tệ của chúng ta không những không thu được mà còn mất sang Trung Quốc”, TS Tín cảnh báo.

Việt Nam mất cơ hội làm giàu nhờ TQ

Lý giải tình trạng trên, vị chuyên gia cho rằng xuất phát từ nhiều phía. Đầu tiên đó là các thương lái sang Việt Nam thu mua nông sản của nông dân chủ yếu đi theo con đường du lịch. Khi thấy hàng hóa tại thị trường Việt Nam giá rẻ thì tìm mọi cách thuê người đẩy hàng qua biên giới, bán ngay ở biên giới để kiếm lời.

“Những thương lái này thường trả giá cao hơn một chút cho người nông dân để gom hàng được với số lượng lớn mà không có các hợp đồng rõ ràng. Người nông dân thấy lợi nên đổ xô vào trồng, chăn nuôi, mở rộng sản xuất. Đến khi hàng hóa tạo ra được số lượng lớn thì thương lái Trung Quốc bất ngờ không mua, dẫn đến tình trạng dư thừa.

Tư duy sản xuất manh mún, chụp giật của người dân và các doanh nghiệp khiến cho chúng ta luôn luôn rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa thì giá cao”. Vừa qua, chúng ta liên tiếp phải tiến hành các chiến dịch giải cứu thịt lợn, giải cứu dưa hấu. Đó là điều phải thực sự lưu ý”, TS Tín nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia đề cập đến đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cán bộ tại các cửa khẩu.

TS Tín cho rằng, chúng ta có đầy đủ các quy định của pháp luật tuy nhiên trong quá trình thực thi thường xuất hiện những kẽ hở để các thương lái Trung Quốc lợi dụng.

“Tại sao thương lái lại dễ dàng buôn bán theo đường tiểu ngạch và số lượng nhiều đến vậy? Liệu chúng ta đã kiểm soát đúng quy định của pháp luật hay chưa? Việc này phải xem xét lại hết sức nghiêm túc và có sự chấn chỉnh cần thiết”, TS Tín đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia còn cho rằng công tác dự báo thị trường, tư vấn cho người nông dân, hộ chăn nuôi của các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương chưa thật sự tốt. Điều này khiến cho người dân tự phát trong các hoạt động sản xuất, không theo một quy hoạch nhất định và không chủ động ứng phó được khi xảy ra những biến động.

Các cơ quan chức năng cũng phải chịu trách nhiệm về việc người dân điêu đứng vì thương lái Trung Quốc.

Trước hết là các cơ quan xúc tiến thương mại. Sau đó là Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT các địa phương. Những đơn vị này cần hỗ trợ, đưa ra các dự báo chính xác để người nông dân hiểu.

Ngoài ra còn phải kể đến Bộ Công Thương. Bộ này cần có những chính sách về thương mại, đầu tư để hạn chế việc người nông dân sản xuất manh mún. Việc tìm hiểu và phát triển thị trường thì phải do cơ quan nhà nước đảm nhiệm chứ người nông dân làm sao họ biết được”, ông Tín thẳng thắn.

Chính sách phải rõ ràng

Nhìn nhận một cách tổng thể, TS Bùi Quang Tín khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế để nâng cao giá trị thương mại với Trung Quốc theo con đường chính ngạch.

Thứ nhất, Việt Nam có nhân công rẻ và đông. Việc này có thể giúp chúng ta tạo ra những sản phẩm có giá thành rất thấp, có thể cạnh tranh được với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Thứ hai, Việt Nam và Trung Quốc gần  nhau nên việc thúc đẩy các hoạt động giao thương sẽ thuận lợi và ít tốn kém hơn so với các quốc gia khác.

Cuối cùng, khẩu vị của người Trung Quốc khá tương đồng so với Việt Nam nên chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những hàng hóa đáp ứng được nhu cầu tại thị trường này.

“Chính sách của chúng ta nhiều khi không thật sự nhất quán, chỉ làm trong một thời gian ngắn sau đó lại ngưng. Trong bối cảnh 98% doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa thì những chính sách kiểu trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh, sản xuất, dẫn đến hoạt động manh mún.

Theo tôi các cơ quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay các hiệp hội phải làm đúng vai trò để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó các Bộ, ngành cũng cần làm tốt hơn công tác dự báo. Nếu không làm được như vậy thì giao dịch tiểu ngạch của Việt Nam sẽ tăng lên”, ông Tín nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đề nghị các doanh nghiệp và bản thân người nông dân thay đổi, hướng đến làm ăn lâu dài với các hợp đồng rõ ràng.

“Chính sách thay đổi nhưng bản thân doanh nghiệp và người dân cũng phải thay đổi, nâng cao kiến thức, công nghệ kỹ thuật để tạo ra những giá trị lớn hơn. Tất cả phải cùng nhau thay đổi”, TS Tín nêu quan điểm.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn