|
Máy hút công suất lớn dày đặc hút cát trên sông Ba |
Lấp sông làm đường vận chuyển cát
Sáng 8.6, trên sông Ba đoạn qua xã Bình Ngọc (TP.Tuy Hòa) và xã Hòa Thành (H.Đông Hòa), hàng trăm phương tiện đua nhau moi ruột sông Ba. Máy hút công suất lớn gầm rú, xe múc hoạt động liên tục, xe tải từng hàng nối đuôi nhau chờ lấy cát. Đường vào các mỏ cát này được các doanh nghiệp (DN) dùng đá thải loại từ các mỏ đá và xà bần san lấp ra đến tận giữa dòng khiến sông Ba bị băm nát, dòng chảy bị cản trở.
Cát tập kết tại cảng chờ xuất vào Nam |
Lâu nay, các mỏ cát trên sông Ba chỉ hoạt động cầm chừng, phương tiện khai thác chủ yếu là máy hút cát công suất nhỏ. Nhưng kể từ 1.6 đến nay, các chủ mỏ cát thuê máy hút công suất lớn, đưa nhiều phương tiện ra khai thác với quy mô khác thường. Tại mỏ cát thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc (TP.Tuy Hòa), hiện có 2 máy hút cát công suất lớn, 2 máy hút cát nhỏ và máy múc đang hoạt động. Mỏ cát này do UBND tỉnh Phú Yên cấp phép cho DNTN xí nghiệp xây dựng Hưng Thịnh khai thác với diện tích 4ha (trữ lượng gần 40.000m3) từ 2015 - 2019 để phục vụ nhu cầu cát vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, DNTN Hưng Thịnh đã bán cát tại mỏ này cho Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tuấn Tú (TP.Tuy Hòa) để công ty này xuất bán cho các DN khác vận chuyển bằng đường thủy vào các tỉnh phía nam. Giá 1 m3 cát tại mỏ là 60.000 đồng. Cách đó vài chục mét, một mỏ cát khác thuộc Công ty cổ phần vật liệu xây dựng cũng đang khai thác để bán cho Công ty Tuấn Tú...
Cát chảy vào Nam
Để tìm hiểu nguồn cát này đi đâu, PV đã đến khu vực cảng Vũng Rô (H.Đông Hòa). Tại đây, cát vun cao thành những núi cát khổng lồ. Phía xa cầu cảng, khoang tàu Vàm Cỏ 79 đã chở đầy cát, chờ làm thủ tục xuất bến. Ông Nguyễn Hồng Lộc, Trưởng phòng Kế hoạch - điều độ Công ty TNHH MTV cảng Vũng Rô, cho biết hiện có 5 DN thuê mặt bằng để bốc cát lên tàu, gồm 4 DN ở TP.Tuy Hòa là Công ty TNHH sản xuất cửa Châu Á, Công ty Tuấn Tú, Công ty TNHH phát triển giao thông Toàn Thịnh và Công ty TNHH Nam Hải, DN còn lại là Công ty cổ phần xây dựng U&I (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).
“Hiện chỉ mới có Công ty Tuấn Tú và Công ty Châu Á đã bán cát cho một đơn vị khác xuất vào TP.HCM và các tỉnh phía nam với số lượng hơn 16.039 tấn. Trong đó, Công ty Tuấn Tú đã xuất bán hơn 12.203 tấn và Công ty Châu Á xuất bán hơn 3.835 tấn. Các DN còn lại mới tập kết cát vào cảng. Đồn biên phòng cửa khẩu Vũng Rô đã làm thủ tục cho các tàu chở cát đi vào Nam”, ông Lộc nói.
Đổ đá lấp sông Ba, làm đường khai thác, vận chuyển cát |
Chiều 7.6, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, ký văn bản hỏa tốc gửi Sở TN-MT tỉnh Phú Yên cùng các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra việc các DN khai thác cát vật liệu xây dựng thông thường để bán qua các tỉnh, thành phố khác và việc dùng xà bần, đá bãi thải lấp sông làm đường vận chuyển cát có tác động đến môi trường, dòng chảy của sông Ba. Ngày 8.6, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Yên cho biết đã chỉ đạo cán bộ xác minh làm rõ việc các DN xuất cát bán ra ngoài tỉnh.
Bắt 8 phương tiện khai thác cát trái phép
Khoảng 9 giờ ngày 8.6, lực lượng CSGT đường thủy Công an tỉnh Vĩnh Long bắt quả tang một sà lan tải trọng khoảng 300 tấn đang hút cát trái phép trên sông Cổ Chiên, đoạn thuộc thủy phận ấp Thủy Thuận, xã An Phước, H.Mang Thít. Tại thời điểm kiểm tra, phương tiện đã khai thác hơn 45 m3cát; tài công Nguyễn Văn Len (39 tuổi, ngụ xã An Định, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) không xuất trình được giấy tờ liên quan.
Rạng sáng 7.6, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện có 7 ghe đang khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai (đoạn qua xã Long Hưng, TP.Biên Hòa). Theo Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai, đây là vụ bơm hút cát trái phép lớn nhất trên sông Đồng Nai tính từ đầu năm 2017 đến nay bị lực lượng này bắt giữ.
|
Theo Thanh Niên